Phát triển bền vững ngành hồ tiêu- Bài 2: Hắt héo theo hồ tiêu

15:23' - 09/05/2018
BNEWS Việc mở rộng diện tích ồ ạt, cùng với dịch bệnh trên cây tiêu ngày càng khó lường đã làm hàng trăm héc ta tiêu chết khô, trong khi giá cả hiện ở mức quá thấp.

Thực tế trên đã khiến nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh nợ nần, vì lỡ "lao" vào cây hồ tiêu.

* Trở tay không kịp với dịch bệnh

Vườn tiêu già cỗi mà gia đình ông Đặng Quang Hải đã chặt bỏ, gom rễ bán cho thương lái. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Hướng dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu, ông Ngô Văn Sang (ấp Tân Định, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp) cho biết, nhà có vườn hồ tiêu 1.800 trụ đang cho thu hoạch bất ngờ rơi vào tình trạng tiêu mắc bệnh chết nhanh. Cả vườn tiêu đang xanh tốt đột nhiên vàng héo lá rồi chết dần dần, gây thiệt hại tới 400 triệu đồng cho gia đình.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tiêu chết nhanh, nhà bà Trần Thị Yến (ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp) lâm vào cảnh lao đao vì nợ hơn 500 triệu đồng vay đầu tư vào 2,5 ha hồ tiêu. Bà Yến cho biết, cả vườn hồ tiêu lên đến 4.500 trụ đã trồng cách đây 4 năm cho thu hoạch gần 10 tấn, nay bị dịch bệnh tấn công nên năng suất giảm nghiêm trọng.

Ghi nhận tại xã biên giới Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thưởng ở thôn 10 hiện đã có hơn 600 trụ tiêu chết. Tất cả những trụ tiêu này đều biểu hiện vàng lá rồi rụng từ từ. Khi cây tiêu được nhổ khỏi lòng đất thì thấy toàn bộ rễ cây thối đen và lớp vỏ bên ngoài bị bong tróc khiến cây không lấy được dinh dưỡng nuôi thân trên.

Ông Nguyễn Văn Thưởng cho biết, gia đình ông trồng cây tiêu theo đúng kỹ thuật từ nhiều năm nay nên vườn luôn cho năng suất cao. Nhiều hộ gia đình tại địa phương thấy hiệu quả kinh tế nên đến học hỏi kinh nghiệm để chăm sóc vườn tiêu tốt hơn. Nhưng từ cuối năm 2017 đến giờ, vườn tiêu của nhà ông bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm khiến không có cách nào cứu.

Vào thời điểm này cây hồ tiêu đang trong giai đoạn thu hoạch, việc tiêu chết đứng cùng với giá cả thấp còn khoảng 60.000 đồng/kg làm hàng nghìn hộ dân trên thủ phủ hồ tiêu Bình Phước rơi vào hoản cảnh lao đao. Hiện, nhiều hộ gia đình chạy đôn chay đáo lo trả nợ ngân hàng, kinh phí con cái ăn học, trả tiền phân bón mua thiếu của các đại lý… Do không thể trồng các loại cây nông nghiệp khác, nhiều hộ dân vẫn trung thành tiếp tục tái đầu tư loại cây trồng này.

Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, diện tích cây hồ tiêu bị bệnh chết nhanh lên đến hàng trăm héc ta. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh hiện có 574 ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh; trong đó thiệt hại nặng nhất tại xã Đắk Ơ thuộc huyện Bù Gia Mập và huyện biên giới Bù Đốp.

Vùng trồng hồ tiêu nổi tiếng tại Bà Rịa- Vũng Tàu cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự vì tiêu chết nhanh đồng loạt. Nguyên nhân được chỉ ra là do việc trồng tiêu ồ ạt khi giá tăng cao, không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng địa phương đã khiến nông dân rơi vào hoàn cảnh lao đao.

Nhiều vùng đất không phù hợp để trồng tiêu cũng được người nông dân tận dụng để trồng nhằm tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, thu nhập không tăng mà còn khốn khổ vì tiền thuốc để “cứu” tiêu. Trong hơn 2 năm trở lại đây giá tiêu bắt đầu đi xuống cũng khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh lao đao, nợ nần.

Chăm sóc hồ tiêu ở “thủ phủ” Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Nhà nông Nguyễn Thị Tài (ấp Sông Xoài 4, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đang đứng ngồi không yên vì cả vườn tiêu bị bệnh chết nhanh. Vườn tiêu có diện tích 3 ha của gia đình bà khi đang giai đoạn nuôi trái thì bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của bệnh chết nhanh, đến nay đã chết hết khoảng 2 ha. Ban đầu trong vườn cũng xuất hiện rải rác vài trụ tiêu chết, sau lan ra với tốc độ nhanh khắp vườn.

“Nếu 3 ha của gia đình tôi bình thường cho thu hoạch hơn 10 tấn, thì nay tiêu chết hàng loạt khiến gia đình thiệt hại lên đến gần 1 tỷ đồng”, bà Tài nói.

Tương tự, nhà ông Lê Đức Anh (thôn Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) có 2.000 trụ tiêu được trồng cách đây 5 năm mới cho thu hoạch 2 vụ cũng rơi vào tình trạng nhiễm bệnh. Ông Anh cho biết, từ đầu năm 2018, các trụ tiêu trong vườn bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của bệnh chết nhanh chết chậm. Nguyên nhân rễ cây chuyển màu nâu đen, dây tiêu vàng lá rồi rụng tả tơi.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu niên vụ 2017-2018, diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh bị bệnh chết nhanh ở thời điểm cao nhất là 145 ha, bệnh chết chậm là 137 ha; trong đó tập trung ở các địa phương như Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành, thị xã Bà Rịa.

*Khó chồng khó

Để đầu tư vào vườn tiêu, nhiều hộ dân đã phải vay mượn ngân hàng để có vốn đầu tư. Với giá cả, tình trạng tiêu chết hàng loạt đã đẩy nhiều hộ dân vào cảnh nợ nần.

"Năm nay, giá hồ tiêu xuống thê thảm, trong khi cây bị nhiễm bệnh càng nhiều khiến gia đình ăn không ngon, ngủ không yên. Còn khoản nợ vay ngân hàng khoảng 1,6 tỷ đồng sắp đến kỳ trả gốc cũng đang khiến gia đình lo lắng không biết trả được không?”, ông Nguyễn Văn Thưởng buồn rầu cho biết.

Lãnh đạo huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) khảo sát vùng hồ tiêu bị bệnh chết nhanh. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Ông Bùi Quang Cảnh (ở ấp Tân Đông, xã Tân Thành, Bù Đốp) có diện tích trồng tiêu trên 1,4 ha với hơn 2.000 trụ. Để phát triển được diện tích cây tiêu trên, ông Cảnh đã vay ngân hàng hơn 120 triệu đồng. Sau khi đầu tư chuẩn bị thu hoạch mùa vụ 2018, đột nhiên từ trước Tết Nguyên đán 2018 đến nay cây tiêu vàng lá, rụng trái trên diện rộng. Toàn bộ diện tích hồ tiêu trên của gia đình ông Cảnh bị thiệt hại nặng nề, chết dần chết mòn chưa rõ nguyên nhân.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Ba, ngụ xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc có 2 ha tiêu mới trồng được 4 năm nay, với vốn đầu tư vào cây giống, trụ, phân, thuốc, nhân công… lên tới gần 1 tỷ đồng. Ông Ba cho biết, do số tiền đầu tư vào vườn tiêu quá lớn nên ông phải vay ngân hàng, không ngờ khi vườn tiêu được thu hoạch năm đầu giá lại rớt xuống quá thấp như hiện nay, khiến ông không có tiền để đáo hạn ngân hàng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nguy cơ mất nhà, mất cả vườn tiêu.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay do giá tiêu xuống thấp nên nhiều nông dân đã bỏ bê vườn không chăm sóc, nên đã không kịp thời phát hiện dấu hiệu của bệnh, khi trong vườn có một số cây bệnh lại không tập trung xử lý, dập bệnh, dẫn đến bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu lây lan nhanh, khiến nhiều vườn không thể cứu vãn nổi. Nhiều nông dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, biến đổi khí hậu cũng được cho là nguyên nhân gây tác hại rất lớn cho các vùng chuyên canh hồ tiêu. Mưa nhiều nhưng các vườn hồ tiêu có kỹ thuật thoát nước kém làm hư hại bộ rễ cây dẫn đến cây héo úa lá rồi chết dần chết mòn.

Theo ông Lê Xuân Trí, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, nguyên nhân tiêu chết là do trong thời điểm giá tiêu tăng cao đột biến, bà con ồ ạt trồng nhưng không nắm rõ kỹ thuật, chăm sóc không phù hợp với sự phát triển, sinh trưởng của cây tiêu. Do trồng nhiều nên các hộ dân chủ quan không kiểm tra, kiểm soát tốt giống cây trồng, có một số loại giống không đảm bảo phát triển lâu dài, chỉ phát triển vào một thời điểm nhất định.

Theo ông Lê Xuân Trí, năm vừa qua do thời tiết mưa quá nhiều, nước không thoát kịp làm rễ tiêu bị ngập úng dẫn đến thối rễ khi chuyển mùa mưa qua mùa nắng dẫn đến vàng lá và chết dần. Bên cạnh đó do biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường mưa nhiều dẫn đến độ ẩm cao làm bùng phát các dịch bệnh hại đến rễ và thân cây làm cho cây tiêu vàng lá và chết.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã chỉ ra một số yếu tố khiến nhiều diện tích bị nhiễm bệnh như: nhiều hộ dân trồng hồ tiêu ở những khu vực đất dốc, trũng không thích hợp; diện tích vườn tiêu rộng nên một số hộ dân chủ quan không kiểm tra, chăm sóc đúng kỹ thuật dẫn đến bệnh chết nhanh trên cây tiêu là do nấm Phytophthora gây ra.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều nhà vườn ở Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai… nhiều nhà nông đang đối diện tích thực trạng bị bệnh chết nhanh đang gia tăng trên nhiều vùng chuyên canh về cây hồ tiêu vì nguyên nhân nông dân mở rộng trồng mới diện tích vượt xa quy hoạch, thiếu kỹ thuật chăm sóc, gặp bất lợi do thời tiết biến đổi khí hậu năm nay mưa nhiều… đã gây thiệt hại đáng kể cho các nhà vườn nông dân./.

>>> Bài 3: Giá tiêu lao dốc, nông dân lao đao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục