Phát triển bền vững ngành thủy sản - Bài cuối: Đảm bảo chất lượng sản phẩm

12:05' - 13/09/2018
BNEWS Cho dù các chiến lược marketing và truyền thông ngành thủy sản tốt đến mấy, cũng không thể thiếu yếu tố chất lượng sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu của người tiêu dùng.

Chính ở yếu tố này, ngành thủy sản trong thời gian qua đạt được nhiều thành tích khả quan, vốn dĩ nhờ vào toàn ngành chú trọng chất lượng sản phẩm sạch, an toàn để cung cấp, cân bằng thị trường trong và ngoài nước.

* Nhiều chính sách hỗ trợ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngành thủy sản đã có sự tiến bộ vượt bậc sau những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Cụ thể, trong 10 năm qua, sản lượng thủy sản cả nước đã tăng gần 60%, từ 4,6 triệu tấn (năm 2008) lên 7,3 triệu tấn (năm 2017); trong đó, sản lượng nuôi trồng chiếm 53%. Kim ngạch xuất khẩu từ 4,5 tỷ USD (năm 2008) lên 9 tỷ USD (năm 2018).

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã tập trung đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí của quốc gia nhập khẩu trong suốt thời gian qua. Nhờ vậy, sản phẩm thủy sản Việt Nam được các quốc gia nhập khẩu đón nhận.

Hiện xuất khẩu thủy sản chiếm từ 4-5% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, chỉ đứng sau các mặt hàng điện thoại, dệt may, điện tử và giày dép. Điều này cho thấy, ngành thủy sản có một triển vọng phát triển rất lớn.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ướng 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng tốt, giải quyết việc làm cho 4 triệu dân, vượt 51% chỉ tiêu đã đề ra trong Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020, được phê duyệt tại Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 3/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đạt sản lượng 4,5 triệu tấn, kim ngạch 5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động.

Dựa trên tình hình thực tế hiện nay, nhận định cung – cầu trong nước và thị trường thế giới cho thấy, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 11,5 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với mục tiêu trong Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 3/3/2011 đặt ra.

Để tạo điều kiện cho ngành thủy sản Việt Nam phát triển thuận lợi hơn nữa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ – CP về khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Nghị định 109/2018/NĐ–CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018 có riêng một chương quy định về chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ghi nhãn, logo, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản,… sẽ hạn chế tình trạng tự chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thị trường thời gian qua. Nghị định này hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thủy sản khi làm hồ sơ truy xuất nguồn gốc.

Theo Nghị định này, một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ nói chung và nuôi trồng thủy sản hữu cơ nói riêng. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ gia định sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ như: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, được hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại). Về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.

* Không quên thị trường nội địa

Theo các chuyên gia kinh tế, dự báo mức tiêu thụ trong nước của ngành thủy sản đến năm 2020 đạt 940.000 tấn. Vì vậy, thị trường nội địa đang được ngành thủy sản chú trọng.

Các doanh nghiệp trong nước hiện dang nỗ lực tối ưu hóa sản xuất, để đưa những sản phẩm tươi ngon, tiện lợi, sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.

Ngành thủy sản sẽ áp dụng quy trình nuôi đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, cấp mã số ao nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết vùng, gắn kết chặt chẽ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Những năm trước đây, phần lớn các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm thủy sản là tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu.

Tại hội chợ triển lãm ngành thủy sản (Vietfish) năm 2018 vừa qua, nhiều doanh nghiệp có nguyện vọng đưa sản phẩm Việt Nam phủ rộng hơn tại thị trường trong nước.

Để có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước, các doanh nghiệp phải tăng cường sản phẩm chế biến có chất lượng tương đương với các loại sản phẩm được sản xuất phục vụ cho thị trường khó tính nước ngoài.

Với chất lượng vượt trội, sản phẩm thủy sản Việt Nam mới khẳng định được chữ tín với người tiêu dùng trong nước, tăng sự lựa chọn của người tiêu dùng với sản phẩm thủy sản Việt, thay vì lựa chọn hàng nhập khẩu đang thâm nhập vào Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhấn mạnh, sản lượng thủy sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao hơn sản lượng tiêu thụ trong thị trường nội địa. Đồng thời, xuất khẩu giúp mang lại nguồn kim ngạch ngoại tệ cho quốc gia. Nhưng thị trường nội địa gần 100 triệu dân thì có 80% người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thủy hải sản.

Hiện nay, xu thế hội nhập lan rộng khắp thế giới, không riêng Việt Nam có các sản phẩm thủy hải sản, nhiều quốc gia khác như Ecuadore, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… cũng có nhiều loại sản phẩm thủy sản tương tự.

Khi thị trường nội địa bị bỏ lỡ sẽ tạo cơ hội lớn cho các quốc gia khác đưa sản phẩm vào Việt Nam. Đến lúc đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn quay lại cạnh tranh thị trường nội địa sẽ khó khăn hơn.

Thị trường nội địa cũng là nơi giúp doanh nghiệp trụ vững khi gặp các rào cản về kỹ thuật, các hàng rào thuế quan, thuế chống bán phá giá từ các quốc gia nhập khẩu. Cũng từ đây, các sản phẩm của người sản xuất trong nước có thể tiêu thụ tốt, giúp người sản xuất xoay vòng vốn, tái sản xuất, phát triển kinh tế ổn định.

Trong những năm gần đây, trước sự áp thuế chống bán phá giá cá tra và tôm từ phía thị trường mỹ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã quay về thị trường nội địa, cân bằng sản xuất và xuất khẩu, cân bằng kinh tế doanh nghiệp lẫn nông dân.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) chia sẻ, dù thị trường nội địa mang lại lợi nhuận thấp hơn so với xuất khẩu, nhưng thị trường này có thể giải quyết từ 13-14% sản phẩm chế biến của Vĩnh Hoàn. Trong đó, chủ yếu là các sản phẩm phi lê, bao tử cá, chả cá.…

Để sản phẩm được lưu thông tại thị trường nội mạnh hơn, cả phía Chính phủ và chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ hệ thống logistics, đảm bảo khả năng bảo quản sản phẩm của các doanh nghiệp khi di chuyển. Các doanh nghiệp cần hoàn thiện kênh phân phối của doanh nghiệp mình để sản phẩm đến với người tiêu dùng đạt chất lượng cao.

Có như vậy, thị trường nội địa mới là hậu phương vững chắc cho các doanh nghiệp trên con đường phát triển ngành hàng thủy sản, cũng là chiến lược giúp Việt Nam giữ vững phát triển kinh tế trước xu thế cạnh tranh hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục