Phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

10:40' - 15/05/2022
BNEWS Thời gian qua, nhiều nông dân tại Bến Tre đã mạnh dạn chuyển đổi, ứng dụng thành quả nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Sau khi được Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng cao tỉnh Bến Tre hướng dẫn chuyển đổi sản xuất từ trồng cỏ, chăn nuôi nhỏ lẻ sang trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao từ năm 2020 đến nay, ông Hồ Tao Đàn, xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú đã sản xuất thành công sáu vụ dưa lưới.

 

Ông Đàn cho hay, khi được trung tâm chuyển giao công nghệ, gia đình ông đã bỏ ra gần 150 triệu đồng để đầu tư xây dựng hai nhà màng với diện tích 800 m2 cùng hệ thống bồn chứa nước, máy bơm, ống tưới nhỏ giọt, giá thể… Hiện ông Đàn tiêu thụ sản phẩm dưa lưới bằng cách bán trực tiếp hoặc qua các kênh online.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, ông Đàn thu hoạch gần hai tấn dưa lưới; trong đó hơn 95% bán qua mạng xã hội. Những địa điểm bán trực tiếp gần trong xã, trong huyện, ông Đàn kiêm luôn nhiệm vụ giao hàng. Với khách hàng xa thì ông gửi qua hệ thống bưu điện, xe khách, xe buýt…

Trước đây, sản xuất nông nghiệp chủ yếu bán qua thương lái nên hầu như không nghĩ đến sẽ bán được trực tiếp cho người mua. Đợt vừa qua, kỳ thu hoạch đúng ngay cao điểm dịch COVID–19 nên gia đình chuyển sang bán online. Không ngờ, toàn bộ sản phẩm được tiêu thụ nhanh, nhiều khách hàng tin tưởng tiếp tục đặt mua vào các vụ sau - ông Đàn chia sẻ.

Lúc trước, sản xuất nông nghiệp theo kiểu cũ cho năng suất, chất lượng thấp nên lợi nhuận thấp. Từ khi sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao gần như tự động hoàn toàn, tốn ít công. Sản phẩm chất lượng cao, tiêu thụ qua mạng nên giá ổn định, không bị thương lái ép giá như trước đây.

Bên cạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, hiện nay nhiều hộ dân ven biển từng bước chuyển đổi từ nuôi tôm công nghiệp theo cách truyền thống sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nhiều giai đoạn mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Lê Văn Sấm, sinh năm 1958, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho hay, qua nhiều năm nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương pháp củ (nuôi trên ao đất) bị thất bại, ông được hướng dẫn mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nhiều giai đoạn. Năm 2015, ông bắt đầu chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao.

Đến nay, ông là một trong những nông dân có diện tích nuôi tôm biển công nghệ cao lớn nhất huyện với trên 40 ha; năng suất cao, trung bình đạt từ 70-90 tấn/ha và mỗi năm thu lợi hơn 25 tỷ đồng.

Theo ông Sấm, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi, ao nuôi được trải bạt hoàn toàn.

Hệ thống xử lý chất thải trong ao, hệ thống tạo oxy cho ao cũng phải được đầu tư bài bản. Ngoài ra, cần chia tôm theo từng giai đoạn nuôi để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm mau lớn, tránh dịch bệnh.

Đa số người nuôi tôm hiện nay ứng dụng công nghệ cao chia thành 3 giai đoạn nuôi trở lên như ươm giống, tôm nhỏ, tôm lớn… để giúp tôm đạt hiệu quả, kích thước tôm lớn, từ 20-25 con/kg có thể xuất bán. Khi đó, giá tôm sẽ cao hơn các cỡ nhỏ.

Sau nhiều năm nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, giờ đây ông Sấm đã hoàn toàn làm chủ công nghệ trong ngành nuôi tôm theo hướng công nghệ cao và liên tục thắng lợi ở mỗi vụ nuôi.

Theo Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre, thời gian qua, trung tâm đã chuyển giao nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: sản xuất dưa lưới, rau thủy canh, trồng nấm, nuôi cá chạch lấu, ếch…; trong đó, các mô hình được chú trọng đầu tư phù hợp điều kiện diện tích đất nhỏ, manh mún tại địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre cho biết, tỉnh đang tập trung khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 2.500 ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: tôm thẻ chân trắng, cá, rau thủy canh, dưa lưới, rau an toàn…

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, hiện tại, Bến Tre đang phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để hướng đến sản xuất sạch.

Ngành nông nghiệp đang tổ chức sản xuất, chuyển giao trong nuôi tôm công nghệ cao, kỹ thuật tưới nhỏ giọt, nhà màng trồng trọt...; đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cải thiện giống bằng phương pháp vi ghép, cấy mô và các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình hữu cơ. Tỉnh đang tập trung phát triển sản xuất trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, đất đai diện tích nhỏ của địa phương và nhu cầu thị trường để phát triển bền vững.

Ngoài ra, Bến Tre đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác, liên kết hộ nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu lớn; tập trung làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt khâu trung gian. Qua đó, góp phần sản xuất xuất nông nghiệp ngày càng phát triển bền vũng hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục