Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh

15:48' - 05/02/2025
BNEWS Quảng Trị đã và đang tập trung phát triển nông nghiệp xanh thông qua xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ và canh tác tự nhiên, vừa bảo vệ môi trường sinh thái vừa tạo ra sản phẩm sạch có giá trị cao.

Nông nghiệp xanh là một phương pháp sản xuất nông nghiệp bền vững, tập trung vào việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Mục tiêu của nông nghiệp xanh là tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đồng thời duy trì và phát triển bền vững nguồn lực tự nhiên.

 

Hợp tác xã nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong sản xuất sản phẩm gạo sạch theo phương pháp canh tác tự nhiên. Hợp tác xã này hiện sản xuất 61 ha lúa hai vụ; trong đó, có 11 ha sản xuất lúa hữu cơ, 50 ha lúa canh tác tự nhiên.

Theo đại diện Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, đơn vị luôn thực hiện đúng nguyên tắc canh tác tự nhiên, áp dụng nghiêm ngặt quy trình “ba không” gồm: không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng phân hoá học, không sử dụng chất kích thích và chất bảo quản hoá học.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ là điển hình về phát triển nông nghiệp xanh hiệu quả của tỉnh Quảng Trị với quy mô hiện có là 316 ha; tập trung ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh. Năm 2025, tỉnh đầu tư trên 16 tỷ đồng để phát triển thêm 684 ha lúa hữu cơ, qua đó, đưa tổng diện tích lúa loại này lên 1.000 ha.

Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, tỉnh đầu tư thêm hơn 163 tỷ đồng để phát triển thêm 1.000 ha lúa hữu cơ, qua đó đưa tổng diện tích lúa loại này lên 2.000 ha. Các mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở Quảng Trị không sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhưng vẫn cho thu nhập cao từ 65 – 85 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí có lãi 30 - 43 triệu đồng/ha, cao hơn canh tác thông thường 7 – 10 triệu đồng/ha.

Nông nghiệp xanh còn được nông dân Quảng Trị áp dụng trong trồng những cây trồng có thể mạnh của từng địa phương như cà phê, hồ tiêu, dược liệu và cây ăn quả với quy mô lên đến hàng trăm héc-ta; trong đó, mô hình sản xuất hồ tiêu hữu cơ đã được nhân rộng ở các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh.

Đồng thời xây dựng thương hồ tiêu nổi tiếng như “Tiêu Cùa”, “Tiêu Quảng Trị”. Cà phê hữu cơ được sản xuất ở huyện Hướng Hóa nổi tiếng với thương hiệu “Cà phê Arabica Khe Sanh”. Các loại cây dược liệu ở huyện Cam Lộ làm nguyên liệu chế biến ra các sản phẩm dược liệu được thị trường ưa chuộng như cao an xoa, chè vằng, cà gai leo.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất tập trung nông nghiệp hữu cơ và liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong trồng, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hưu cơ, canh tác tự nhiên. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục