Phát triển chợ biên giới nâng cao hạ tầng thương mại

19:37' - 09/12/2024
BNEWS Hiện nay, nhiều địa phương cũng đã tích cực quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới, xúc tiến triển khai tìm nguồn vốn xây dựng các chợ phiên biên giới.

Cùng với các cửa khẩu, các phiên chợ biên giới cũng hết sức sôi động. Đây là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, hội tụ những sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Phiên chợ không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, kết bạn, trò chuyện.

Chợ mỗi nơi lại có những đặc trưng riêng về con người, vùng đất đó. Do gần gũi về địa lý vầ có nhiều nét tương đồng về xã hội, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá qua chợ được hình thành lâu đời. Những kết quả đã và đang đạt được cho thấy, việc phát triển hạ tầng thương mại biên giới nói chung và các chợ biên giới nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá của cư dân khu vực biên giới hai bên, đóng góp lớn cho nền kinh tế địa phương.

Trong thời gian qua, mạng lưới chợ trên tuyến biên giới Việt Nam với các quốc gia có chung đường biên được hình thành đã góp phần thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hoá, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng biên giới. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới cũng như nhiều nguyên nhân khác nhau, mạng lưới chợ trên tuyến biên giới Việt Nam còn phát triển chậm, yếu ớt, quy mô trao đổi hàng hoá còn nhỏ lẻ, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu, lực lượng tham gia hoạt động chợ còn ít, nguồn vốn đầu tư chợ gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, còn nhiều tồn tại như công tác quản lý còn nhiều bất cập, khối lượng hàng hoá tăng nhưng chưa mạnh và ổn định, cơ cấu hàng hoá còn nhiều bất cập. Do điều kiện địa lý và kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới, hệ thống chợ biên giới còn phát triển chưa đồng đều, quy mô nhỏ, còn nhiều chợ tạm. Phát triển doanh nghiệp tại địa phương còn hạn chế do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, không hấp dẫn được đầu tư, kinh doanh mang tính thời vụ, quy mô nhỏ, quản lý theo mô hình gia đình, hoạt động đơn lẻ, thiếu liên kết.

Doanh nghiệp gặp rủi do sự thay đổi chính sách đột ngột của nước bạn và thiếu chủ động trong việc tiếp cận chủ trương, chính sách cũng như dự báo những thay đổi và lường trước rủi ro và phòng tránh. Chính sách đối với hàng hóa biên giới và phát triển các chợ biên giới còn nhiều bất cập do danh mục hàng hóa chưa phù hợp với nhu cầu; tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp và chính sách chưa đủ hiệu quả.

Đường giao thông vận tải hàng hóa tại một số nơi xuống cấp, chật hẹp chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa nhưng lại không được sửa chữa, khắc phục hoặc mở rộng kịp thời, thi công kéo dài, nhiều cua dốc; vào mùa mưa thường xuyên trơn trượt, gây tai nạn đổ xe vận tải hàng hóa, ùn tắc giao thông làm cản trở hoạt động thương mại biên giới.

Hiện nay, nhiều địa phương cũng đã tích cực quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới, xúc tiến triển khai tìm nguồn vốn xây dựng các chợ phiên biên giới. Như tại Điện Biên, các cơ quan chức năng cũng đã tích cực tham mưu, triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Phát triển các chợ biên giới tại các khu vực Si Pa Phìn - Huổi Lả, cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc tiếp giáp biên giới tỉnh Điện Biên với tỉnh Phong Sa Lỳ và chợ Huổi Puốc - Na Son, tiếp giáp biên giới tỉnh Điện Biên với tỉnh Luông Pha Băng.

Để khai thác triệt để nguồn lực tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương hai nước thông qua hoạt động của mạng lưới chợ biên giới, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã nhất trí cao việc lập dự án quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới chung của hai nước, nhằm mục đích thống nhất trong công tác quản lý chợ biên giới tuyến Việt Nam - Lào cho phù hợp với lợi thế phát triển, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng khu vực biên giới, đồng thời cũng góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, an ninh biên giới và lành mạnh hoá hoạt động thương mại biên giới.

Nhiều địa phương và các ngành chức năng đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm gia tăng các hoạt động xuất khẩu của các tỉnh biên giới sang các nước thông qua biên giới giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và Trung Quốc, trong đó đặc biệt chú trọng các hoạt động xuất khẩu của các tỉnh biên giới Việt Nam. Đẩy mạnh hợp tác đầu tư gắn với thương mại, tập trung vào chính sách phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thương mại gắn với triển khai xây dựng vành đai kinh tế giữa các tỉnh của Việt Nam với các nước.

Rà soát và hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với thương nhân và cư dân biên giới theo hướng phù hợp với từng khu vực cửa khẩu giữa Việt Nam với các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, như hoàn thiện danh mục hàng hóa mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới.

Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam với các quốc gia láng giềng không những là một cuộc cải cách kinh tế, mà còn là nhân tố hết sức quan trọng giữ vững đoàn kết, ổn định và an ninh chính trị tại khu vực biên giới, củng cố và làm tăng lòng tin vào Đảng, Chính phủ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Kinh tế biên mậu đã, đang và sẽ ngày càng phát triển cả bề rộng và bề sâu, quy mô và hình thức, dần hình thành những khu kinh tế vùng biên năng động, trực tiếp và gián tiếp tạo điều kiện để các tỉnh giáp biên khai thác, phát huy thế mạnh và tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, liên doanh, liên kết nội và liên vùng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam và các nước cùng chung biên giới.

Trong năm 2024 và những năm tới đây, hoạt động kinh tế biên mậu tiếp tục khởi sắc ở tất cả các vùng biên giới, dựa trên các kết quả đã đạt được từ trước đến nay. Đồng thời, đà tăng trưởng này còn tăng tốc do nhận thêm các động lực mới từ tăng trưởng kinh tế và các cam kết cấp cao của Việt Nam và các bên liên quan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục