Phát triển công nghệ nano lọc sạch nước thải

16:01' - 14/09/2018
BNEWS Các nhà khoa học Australia đã phát triển thành công một phương pháp mới mang tính nền tảng phục vụ các hoạt động lọc sạch nước thải.

Bằng các sử dụng tinh thể hợp kim, các nhà nghiên cứu tại Đại học Edith Cowan (ECU) đã phân tách các chất và thành phần ô nhiễm trong nước thải công nghiệp.

Theo các nhà nghiên cứu ECU, so với phương pháp xử lý nước xả thải công nghiệp bằng bột sắt đắt đỏ lâu nay, chi phí của phương pháp mới khá hợp lý, chỉ cần tiêu tốn lượng tinh thể hợp kim có giá 15 AUD (10,8 USD) để lọc 1 tấn nước thải công nghiệp.

Ngoài ra, tinh thể hợp kim có thể được tái sử dụng (tổng cộng 5 lần) mà vẫn có hiệu quả trong hoạt động lọc nước.

Giáo sư Laichang Zhang, của khoa Kỹ sư công nghệ thuộc ECU, cho biết ông đã đưa ứng dụng công nghệ nano vào phương pháp này trên cơ sở kết quả nghiên cứu trước đó của ông về "thủy tinh kim loại".

Tinh thể hợp kim là cái mà các nhà nghiên cứu thu được sau quá trình đốt nóng "thủy tinh kim loại" theo một phương pháp đặc biệt.

Điểm khác biệt giữa chúng, đó là trong khi "thủy tinh kim loại" có cấu trúc nguyên tử hỗn loạn, tinh thể hợp kim mà ECU phát triển có cấu trúc nguyên tử trật tự hơn.

Nhờ đó, các electron trong tinh thể hợp kim di chuyển tự do nhanh hơn, cải thiện khả năng liên kết với các phân tử thuốc nhuộm hoặc kim loại nặng tồn dư trong nước thải công nghiệp.

Giáo sư Zhang cho biết ông sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu với các đối tác công nghiệp thể cải thiện hơn nữa công nghệ này.

Ở nhiều quốc gia đang phát triển, hơn 70% chất thải công nghiệp chưa qua xử lý được xả vào nguồn nước và gây ô nhiễm nguồn nước cấp, gây ra tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, cũng như thảm họa môi trường./.

>>>Ứng dụng công nghệ Nano trong nông nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục