Phát triển công trình giao thông trọng điểm - Bài 2: Dồn nguồn lực

08:29' - 16/12/2022
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh hiện đang triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông; trong đó, một số dự án lớn dự kiến được khởi công cuối năm nay và năm 2023.

Là một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đã và đang triển khai tại Tp. Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả không chỉ mang đến lợi ích kinh tế - xã hội cho thành phố mà còn lan tỏa tới các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tp. Hồ Chí Minh hiện đang triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông; trong đó, một số dự án lớn dự kiến được khởi công cuối năm nay và năm 2023. Những giải pháp mạnh mẽ sẽ được thành phố tập trung để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023 và dành ưu tiên cho các dự án giao thông trọng điểm.

 

* Đầu tư có trọng tâm

Tại Tp. Hồ Chí Minh, hiện có nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia và đang được thành phố triển khai như metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, nút giao An Phú, Quốc lộ 50…

Dự án tuyến metro số 1 hiện đã triển khai 4/5 gói thầu xây lắp và thiết bị, đạt gần 93% tổng khối lượng dự án. Việc nhập khẩu 17 đoàn tàu về depot Long Bình cũng đã hoàn thành trong năm nay. Dự án đang đi vào giai đoạn hoàn thiện các nhà ga và thực hiện thử nghiệm chạy tàu. Dự kiến, metro số 1 sẽ hoàn thành năm 2023 chào mừng Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Một dự án đường sắt đô thị khác là metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) cũng đang được thành phố tháo gỡ các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Dự kiến đến quý II/2023, thành phố sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng và sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính thi công đoạn đi ngầm, trên cao vào năm 2025.

Trong khi đó, dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa có ý nghĩa quan trọng để tháo gỡ điểm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hiện đã được UBND Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Dự kiến, gói thầu đầu tiên sẽ khởi công trong tháng 12 năm nay và hoàn thành dự án tháng 9/2024; đồng bộ với Dự án nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đối với dự án cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài mang tính kết nối vùng, UBND Tp. Hồ Chí Minh đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo HĐND Thành phố thống nhất chủ trương thông qua nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án.

Theo ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, mặc dù thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, một số công trình trọng điểm đã được đầu tư đưa vào khai thác, tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống giao thông vận tải thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội.

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất các dự án, công trình giao thông trọng điểm tiến tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), có 17 dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Nổi bật là tuyến metro số 1, hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Mỹ Thủy, hai dự án thành phần Vành đai 3, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa… Tp. Hồ Chí Minh cũng dự kiến khởi công mới tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) và cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài.

Đặc biệt trong năm qua, Tp. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận đã nỗ lực triển khai thực hiện dự án Vành đai 3. Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội Tp. Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vành đai 3 sẽ góp phần phát triển không chỉ các tỉnh có dự án đi qua mà còn cho các vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, cuối tháng 9/2022, Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 trên địa bàn. Hiện nay, UBND Tp. Hồ Chí Minh đang chỉ đạo triển khai hai dự án thành phần 1 và thành phần 2 trên địa bàn theo kế hoạch để kịp khởi công dự án vào tháng 6/2023.

Dự án này có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An với 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2027.

* Ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng điểm

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trước mắt, dự kiến cuối tháng 12/2022, thành phố đồng loạt khởi công ba dự án quan trọng là nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức), Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) và đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (quận Tân Bình) vào nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài dự kiến cũng được thông qua chủ trương đầu tư cuối năm này.

Hiện trong cơ cấu vốn trung hạn, ngành giao thông được ưu tiên, bố trí vốn rất nhiều, với khoảng 40% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, so với đề án phát triển hạ tầng giao thông thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với nhu cầu vốn rất lớn, khả năng bố trí vốn của thành phố chỉ chiếm được từ 20 – 30%.

Ông Lương Minh Phúc cho biết, bên cạnh tranh thủ nguồn vốn Trung ương, lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh đã giao các sở, ngành nghiên cứu khai thác nguồn lực từ đất đai, mời gọi nguồn lực đầu tư từ xã hội nhằm có đủ vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông thành phố thời gian tới.

UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố xác định sẽ chủ động chuẩn bị các thủ tục, điều kiện cần thiết để dự án đủ điều kiện bố trí vốn, không để xảy ra tình trạng “vốn chờ thủ tục”. Thành phố cũng thực hiện tốt khâu chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư các dự án khởi công mới; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết.

Theo đó, Tp. Hồ Chí Minh sẽ rà soát toàn bộ danh mục các công trình, dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn dự án bố trí nhiều vốn nhưng không giải ngân hết, không có khả năng tiếp tục triển khai.

Thành phố rà soát, bổ sung các công trình trọng điểm, cấp bách có đủ điều kiện triển khai, đảm bảo tính khả thi ngay trong năm 2023 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới như dự án đoạn 1 và đoạn 2 đường Vành đai 2, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, cao tốc Mộc Bài – Tp. Hồ Chí Minh...

Với dự án Vành đai 3, Thành phố phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp để khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Theo ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, trong vòng 5 năm đến 10 năm tới, việc hoàn thành dự án Vành đai 3 sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, lan tỏa và kết nối liên vùng. Việc đầu tư đường Vành đai 3 với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao sẽ tạo động lực, sức lan tỏa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển không gian đô thị cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa qua, UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Tp. Hồ Chí Minh (ngoài nguồn vốn 142.557 tỷ đồng đã giao) để bổ sung cho dự án Vành đai 3 trên địa bàn thành phố là 19.449 tỷ đồng.

Tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XI ngày 30/11, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng sắp tới của thành phố là đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu.

Đặc biệt là dự án metro số 1, xúc tiến triển khai dự án metro số 2, Vành đai 3, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, nhà ga T3, rạch Xuyên Tâm và các công trình, dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông còn hạn chế, Tp. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu và đề xuất với Trung ương các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Thành phố cũng sẽ đầu tư có trọng điểm, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tính lan tỏa cao, kết nối vùng, liên vùng như Vành đai 3, để tạo sự đột phá trong phát triển theo tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa qua./.

Bài cuối: Tiến độ và chất lượng luôn phải song hành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục