Phát triển dịch vụ trên biển gắn với ngăn ngừa đánh bắt hải sản trái phép

18:38' - 21/02/2024
BNEWS Nghiệp đoàn cá xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu sản xuất trong năm 2024 đạt 3.250 tấn hải sản các loại; trong đó, có trên 2.000 tấn khai thác ở ngư trường khơi xa.

Cùng với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng hậu cần nghề cá, phát triển dịch vụ thu mua sản phẩm và cung cấp lương thực, nhiên liệu trên biển, tạo điều kiện cho ngư dân sử dụng vốn vay ưu đãi để đóng mới, cải hoán, nâng cao công suất tàu thuyền nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt và khả năng bảo quản sản phẩm, chú trọng tuyên truyền chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Điều này góp phần cùng cả nước sớm gỡ bỏ thẻ vàng (IUU) do Uỷ ban châu Âu đưa ra, tiến tới xây dựng ngành kinh tế biển hiện đại, bền vững là hướng đi của ngành kinh tế biển tỉnh Quảng Nam trong năm 2024.

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tưng bừng vì những chuyến biển cuối năm 2023 trúng đậm, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hữu Khoa đã “triệu tập” tất cả 22 thuyền trưởng và chủ tàu có công suất từ 700 CV trở lên, chuyên hành nghề dài ngày ở ngư trường xa bờ đến “Văn phòng” Nghiệp đoàn nghề cá của xã đặt tại nhà riêng của ông để bàn bạc và thống nhất lịch ra quân và kế hoạch sản xuất.

Theo đó, Nghiệp đoàn ra quân vào sáng ngày 12 tháng Giêng (ngày 21/2), mục tiêu sản xuất trong năm 2024 đạt 3.250 tấn hải sản các loại; trong đó, có trên 2.000 tấn khai thác ở ngư trường khơi xa và không có phương tiện nào vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác trên biển. Lịch ra quân, kế hoạch sản xuất, các quy định trong quá trình khai thác trên biển trong năm 2024, được tất cả các thành viên dự họp đồng thuận cao.

Sáng ngày 21/2, tại cảng cá Tam Giang- cảng cá lớn nhất nhì tỉnh Quảng Nam, sau khi chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước ngọt đủ dùng trong hơn hai tháng; phương tiện được bơm đầy nhiên liệu, ngư cụ được sắp xếp gọn gàng, con tàu mang số hiệu QNa 91078 TS có công suất 900 CV cùng 18 lao động đã được chủ tàu kiêm thuyền trưởng Lê Minh Trí hoàn thiện các thủ tục đăng ký với Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà trước khi xuất bến.

 

Thuyền trưởng Lê Minh Trí cho biết, năm 2023 vừa qua, tàu của ông có 4 chuyến đi biển, mỗi chuyến kéo dài 2 tháng. Trong năm qua, 18 lao động trên tàu có thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/tháng, riêng chủ tàu có lãi trên một tỷ đồng mỗi chuyến biển sau khi trừ chi phí sản xuất.

“Điều ngư dân mong muốn nhất là trong năm 2024 sẽ tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ về xăng dầu cho mỗi chuyến biển được tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên và phương tiện để tiếp thêm động lực cho bà con vươn khơi bám biển dài ngày, vừa khai thác nguồn lợi hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc", thuyền trưởng Lê Minh Trí chia sẻ trước khi bước chân vào khoang lái của chiếc tàu QNa 91078 TS chuẩn bị nhổ neo.

Thăm hỏi, động viên từng Tổ đoàn kết trên biển, từng Nghiệp đoàn nghề cá trước lúc ra khơi thực hiện chuyến biển đầu năm 2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An, địa phương có đội tàu xa bờ hùng mạnh nhất tỉnh Quảng Nam cho biết: Hầu hết tàu có công suất lớn của ngư dân trong huyện đều được trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại như: máy định vị, bộ đàm tầm trung, tầm xa, máy thăm dò cá với mục tiêu khai thác đạt 48.000 tấn hải sản các loại, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động tại địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Phạm Viết Tích cho biết, kinh tế biển đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng các bến neo đậu tàu thuyền kết hợp cảng cá Tam Quang, Tam Giang (huyện Núi Thành), mở rộng cảng cá Hồng Triều (huyện Duy Xuyên), bến cá Tam Phú (thành phố Tam Kỳ), Thanh Hà (thành phố Hội An) gắn với nâng cao năng lực dịch vụ hậu cần nghề cá. Qua đó vừa khai thác có hiệu quả nguồn lợi, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm trong quá trình sơ chế, phân loại và tiêu thụ nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển cho ngư dân. Trong năm 2024, khu neo đậu và dịch vụ hậu cần nghề cá An Hòa sẽ tiếp tục được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện việc mở rộng, nâng cấp giai đoạn 2, từng bước hoàn thiện hạ tầng nghề cá trong toàn tỉnh.

Đưa chiếc tàu QNa 90438 TS có công suất 820 CV chuyên nghề câu mực dài ngày ở ngư trường khơi xa vào vị trí tập kết tại cảng cá Tam Giang để chuẩn bị nhổ neo khi có lệnh, chủ tàu kiêm thuyền trưởng Lê Quang Ảnh cho biết: Trước ngày lên đường, toàn bộ hồ sơ giấy tờ của con tàu cùng danh sách 32 lao động trên tàu đã được chủ tàu mang đến Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà để đăng ký, làm các thủ tục xuất bến theo quy định.

Theo đó, danh sách thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, các vị trí làm việc trên tàu của từng lao động, hợp đồng bảo hiểm vỏ tàu, bảo hiểm thuyền viên và bảng đăng ký hành nghề, ngành nghề sản xuất và lộ trình trên biển của phương tiện đều được cơ quan chức năng kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện mới được ra khơi.

“Để đi biển, các tàu cá, nhất là tàu có công suất lớn không chỉ có phương tiện, ngư lưới cụ, thiết bị dò tìm luồng cá, phương tiện bảo quản sản phẩm hiện đại để không làm giảm sút chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ mà còn phải chấp hành đầy đủ các quy định trong quá trình khai thác hải sản trên biển để không vi phạm vùng ngư trường nước khác. Nhờ vậy trong nhiều năm qua, tình trạng tàu cá của ngư dân Núi Thành và ngư dân Quảng Nam vi phạm ngư trường đã được khắc phục triệt để”, chủ tàu kiêm thuyền trưởng Lê Quang Ảnh chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Đặng Hữu Phúc nhấn mạnh, khai thác hải sản xa bờ là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Mấy năm qua, khi cảng cá Hồng Triều hoàn thành việc nâng cấp và đưa vào sử dụng, không những thu hút được ngư dân của địa phương mà còn thu hút ngư dân các tỉnh, thành khác về đây tiêu thụ sản phẩm và bổ sung lương thực, thực phẩm, nhiên liệu. Dịch vụ hậu cần nghề cá của cảng Hồng Triều nhờ đó phát triển mạnh, trở thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá trọng điểm của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, trong năm 2024, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nhằm cải tạo, nâng cấp và đóng mới tàu thuyền có công suất lớn gắn với các trang thiết bị đi biển hiện đại, giúp ngư dân vươn khơi bám biển. Thông qua các hình thức tuyên truyền thường xuyên, liên tục, trong năm 2024 này toàn bộ ngư dân huyện Duy Xuyên, nhất là ngư dân hành nghề xa bờ đã cam kết thực hiện đầy đủ các quy định để góp phần gỡ bỏ thẻ vàng do khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định về chống đánh bắt hải sản (IUU) do Uỷ ban châu Âu đưa ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Phạm Viết Tích cho biết, năm 2024 ngư dân Quảng Nam phấn đấu khai thác đạt 195.000 tấn hải sản các loại. Để đạt mục tiêu này, ngoài việc đẩy mạnh chương trình cải hoán, nâng cao công suất tàu thuyền, tất cả tàu thuyền xa bờ đều được trang bị đầy đủ các loại máy định vị, máy định dạng, radar, máy Icom tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, thiết bị định vị vệ tinh GPS. Các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại không những giúp ngư dân kịp thời hỗ trợ nhau trong quá trình làm ăn trên biển, mà còn giúp cơ quan chức năng nắm bắt chi tiết quá trình sản xuất của ngư dân trên biển, qua đó có những điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời.

Mặt khác, tỉnh Quảng Nam còn phối hợp với các lực lượng chức năng như Bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển và các địa phương ven biển thường xuyên tổ chức các hình thức tuyên truyền để ngư dân thực hiện nghiêm các quy định trong việc chống khai thác hải sản trái phép để góp phần xây dựng ngành kinh tế biển bền vững.

“Cùng với việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh dịch vụ hậu cần nghề cá, tỉnh Quảng Nam đã, đang và sẽ tiếp tục khuyến khích ngư dân phát triển dịch vụ cung cấp nhiên liệu trên biển, thu mua sản phẩm trên biển, cung cấp lương thực trên biển, nâng cao khả năng bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch gắn liền với việc thực hiện đầy đủ các quy định trong việc chống đánh bắt hải sản trái phép. Đây là những giải pháp đang được địa phương thực hiện để xây dựng ngành kinh tế biển hiện đại, bền vững, giúp ngư dân nâng cao giá trị kinh tế sau mỗi chuyến biển, để thủy sản trở thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Phạm Viết Tích nhấn mạnh ./.

Đoàn Hữu Trung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục