Phát triển diện tích mắc ca lên 34.500 ha vào năm 2030

20:04' - 05/04/2016
BNEWS Đến năm 2030, phát triển diện tích mắc ca lên khoảng 34.500 ha, gồm 7.000 ha trồng tập trung và 27.500 ha trồng xen.
Phát triển diện tích mắc ca lên 34.500 ha vào năm 2030. Ảnh: Đặng Tuấn-TTXVN

Ngày 5/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phê duyệt "Quy hoạch phát triển cây Mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030" với mục tiêu định hướng quy mô trồng và chế biến mắc ca, đảm bảo cây Mắc ca phát triển bền vững.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 tổng diện tích trồng mắc ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên khoảng 9.940 ha; trong đó, vùng trồng thuần tập trung khoảng 2.350 ha. Vùng Tây Bắc là 1.800 ha, Tây Nguyên 550 ha.

Diện tích trồng mắc ca xen với cây trồng khác khoảng 7.590 ha. Ngoài các cơ sở chế biến hiện có, quy hoạch 12 cơ sở chế biến mắc ca công suất từ 50 - 200 tấn/cơ sở tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.

Đến năm 2030, phát triển diện tích mắc ca lên khoảng 34.500 ha, gồm 7.000 ha trồng tập trung và 27.500 ha trồng xen; trong đó, vùng Tây Bắc là 4.800 ha trồng thuần và 3.250 ha trồng xen; Tây Nguyên 2.200 ha trồng thuần và 24.500 ha trồng xen. Dự kiến, 2 vùng có khoảng 30 cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca; trong đó Tây Nguyên 20 cơ sở, Tây Bắc 10 cơ sở.

Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương trong vùng lập quy hoạch chi tiết phát triển cây mắc ca trên địa bàn.

Trước mắt, tiếp tục nhập nội, nghiên cứu chọn tạo các dòng, giống mắc ca mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái tại 2 vùng; khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng giống cây mắc ca giai đoạn từ nay đến 2020, tiềm năng phát triển đến 2030.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu công nghệ và chế tạo dây chuyền thiết bị sơ chế, chế biến sản phẩm mắc ca chuyển giao cho các cơ sở chế biến tạo ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Về thị trường, tập trung nghiên cứu nhu cầu các thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca trong nước và quốc tế; đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua quả mắc ca chế biến sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca của Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ căn cứ vào kết quả tổng kết, đánh giá hiệu quả cây Mắc ca giai đoạn đến năm 2020, phối hợp với các địa phương định hướng quy mô sản xuất cho từng tỉnh cụ thể.

Bên cạnh đó, khuyến khích người trồng Mắc ca tập trung đầu tư theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả cao để cây Mắc ca phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục