Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics

10:56' - 13/05/2022
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, Bến Tre đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics đồng bộ phù hợp với đặc điểm tự nhiên.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho biết, sau một năm thực hiện Đề án 05-ĐA/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ kinh tế- xã hội của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 cho thấy, việc ban hành đề án là đúng đắn và cần thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


 
Cụ thể, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các dự án như Dự án nâng cấp Quốc lộ 57, đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày; nâng cấp Quốc lộ 57B đoạn từ đường dẫn vào cầu Rạch Miễu đến Khu công nghiệp Giao Long; Dự án đường huyện 173, đoạn từ nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành đến tượng đài Tiểu đoàn 516; giai đoạn 1 dự án xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú; xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Hiện nay, Bến Tre đang triển khai thi công cầu Rạch Vong; đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú; giai đoạn 2 dự án xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện Bình Đại-Ba Tri-Thạnh Phú ; đường Đê Tây huyện Bình Đại.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện thủ tục đầu tư tuyến đường bộ ven biển giai đoạn 1; xây dựng cầu Bình Đông trên đường huyện 23; cầu Rạch Bần trên đường huyện 22, huyện Mỏ Cày Nam; cống ngang lộ Quốc lộ 57B, huyện Bình Đại; xây dựng đường từ cảng Giao Long đến khu công nghiệp Phú Thuận; Xây dựng đường Bắc Nam phục vụ khu công nghiệp Phú Thuận và cụm công nghiệp Phong Nẫm; Cầu Ba Lai; tuyến tránh Phước Mỹ Trung; cầu Bình Thới 2; Dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miều 2.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, Bến Tre đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics đồng bộ phù hợp với đặc điểm tự nhiên, quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển tổng thể kinh tế- xã hội của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 là 28.469 tỷ đồng, bao gồm 89 công trình, dự án. Giai đoạn 2026-2030 là 29.915 tỷ đồng, bao gồm 41 công trình, dự án. Ngoài ra, tỉnh kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa cho các bến cảng tại các khu, cụm công nghiệp 1.477 tỷ đồng.
Cùng với việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, Bến Tre chú trọng phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics thông qua việc kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu tạo động lực thu hút doanh nghiệp vận tải như hạ tầng bến cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, kho hàng tập trung gần các khu công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung phù hợp với từng khu vực để giảm chi phí vận tải, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách và dịch vụ du lịch.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tham mưu tích hợp vào Quy hoạch tổng thể tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Quy hoạch cảng biển Bến Tre thuộc nhóm cảng biển số 5, gồm: Khu bến Giao Long (xã Giao Long, huyện Châu Thành); Khu bến Hàm Luông (khu công nghiệp An Hiệp và xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc); Khu bến Thạnh Phú (huyện Thạnh Phú); Khu bến Bình Đại (huyện Bình Đại); các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão. Quy hoạch cụm cảng thủy nội địa Bến Tre đáp ứng cỡ tàu 1.000 - 5.000 tấn.
Cụ thể, cảng khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại; cảng Bình Thới, huyện Bình Đại; cảng Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc; cảng Thành Thới, huyện Mỏ Cày Nam; cảng An Nhơn, huyện Thạnh Phú; cảng An Hòa - huyện Ba Tri; cảng tổng họp Mỹ An, thành phố Bến Tre; cảng Phong Nẫm - huyện Giồng Trôm…
Đồng thời, tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương phối hợp rà soát các danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù họp với từng khu vực để giám chi phí vận tải, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách và phục vụ du lịch của địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai các nhóm giải pháp về thể chế, vốn, đất đai, nguồn nhân lực và tuyên truyền phổ biến thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư vào lĩnh vực logistics. Cùng đó, Bến Tre ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút đầu tư theo các hình thức phù hợp, có đột phá trong khả năng đáp ứng của tỉnh để huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với một số dự án trọng điểm thuộc Đề án về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics.
Đặc biệt, tỉnh có kế hoạch đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ, người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics đáp ứng về chuyên môn; ban hành chính sách hấp dẫn thu hút lực lượng lao động có trình độ, kỹ thuật vào hoạt động dịch vụ logistics./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục