Phát triển hợp tác xã từ thực tiễn ở Nam Định - Bài cuối: Hướng tới sự bền vững

10:29' - 19/03/2023
BNEWS Để hợp tác xã phát triển một cách bền vững, tỉnh Nam Định đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Dù đã đạt được kết quả tích cực trong việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới, đổi mới mạnh mô hình hoạt động, cách thức làm ăn theo hướng năng động, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế 10 năm qua cho thấy, vẫn còn không ít hợp tác xã gặp khó khăn, vướng mắc, hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, thậm chí giải thể. Để hợp tác xã phát triển một cách bền vững, tỉnh Nam Định đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động.

*Còn nhiều trở ngại

Thời gian qua, mặc dù các hợp tác xã trong tỉnh đã gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với lợi ích của thành viên, chủ động thích nghi thị trường, liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã vẫn trong tình trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ, cơ sở vật chất cũng như công nghệ sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Tiềm lực tài chính của hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp còn yếu, do vậy chưa đủ khả năng mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bà Phạm Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong, thành phố Nam Định chia sẻ, mặc dù các sản phẩm hoa của hợp tác xã được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi như hoa lan hồ điệp, hoa phi yến, cát tường, lay ơn, hoa ly… giúp cho việc sản xuất có lãi, mang lại nguồn thu lớn cho thành viên, tuy nhiên để mở rộng sản xuất lại là bài toán khó.

Theo bà Hoa, việc trồng và kinh doanh các loại hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trong khi đó, để có thể đầu tư nhà lưới công nghệ cao yêu cầu nguồn vốn lớn. Số vốn các thành viên đóng góp không đủ để đầu tư sản xuất, hợp tác xã không có cơ sở hạ tầng để vay vốn tín chấp. Mặt khác, 18.000 m2 đất sản xuất của hợp tác xã là đất thuê, không thể xây dựng cơ sở hạ tầng như trụ sở làm việc hoặc nhà kho phục vụ cho sản xuất lâu dài.

Bên cạnh khó khăn về vốn, đất đai, nhiều hợp tác xã đang lúng túng trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

Hợp tác xã chăn nuôi Phú Nghĩa, xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên được thành lập năm 2020 có 15 thành viên là 15 hộ nuôi gà đẻ trứng trong xã quy mô 65.000 con. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã xuất ra thị trường khoảng 40.000 quả trứng, giá dao động trong khoảng 20.000 - 25.000 đồng/chục trứng tùy từng thời điểm.

Ông Nguyễn Hồng Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã  chăn nuôi Phú Nghĩa cho biết, xác định yêu cầu của thị trường ngày càng cao, hợp tác xã sớm định hướng sản xuất theo chuẩn Thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam và hiện tại đã có 5 hộ đạt chứng nhận VietGAP. Đồng thời, sản phẩm trứng gà của hợp tác xã cũng đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Tuy nhiên hiện tại, sản phẩm của hợp tác xã vẫn chủ yếu bán cho tiểu thương, chưa thể đưa vào các siêu thị lớn cũng như chưa tìm được liên kết đầu ra bền vững, đảm bảo giá cả cũng như lợi ích cho thành viên hợp tác xã.

Ngoài ra, việc chuyển đổi loại hình sản xuất kinh doanh chưa phù hợp, chưa xác định được sản phẩm chủ lực của hợp tác xã cũng như việc tiếp cận thành tựu khoa học kỹ thuật phù hợp với trình độ sản xuất và thực tế địa phương khiến cho kinh tế hợp tác xã có sự bứt phá nhưng không bền vững, chưa mang lại hiệu quả cao.

Trong năm 2022, tổng số hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh là 503, trong đó số hợp tác xã đang hoạt động là 480 hợp tác xã, có 23 hợp tác xã tạm dừng hoạt động, một hợp tác xã giải thể. Đánh giá, phân loại mức độ hoạt động của hợp tác xã cho thấy, số hợp tác xã hoạt động tốt, khá là 301, chiếm gần 60%, còn lại là trung bình và yếu kém.

*Bệ đỡ cho hợp tác xã

Với quan điểm gắn phát triển nhanh với phát triển bền vững các loại hình hợp tác xã, tỉnh Nam Định triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước giúp các hợp tác xã tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Xác định nguồn vốn là “đòn bẩy” cho hợp tác xã, từ năm 2019, Liên Minh hợp tác xã tỉnh phối hợp với Quỹ hỗ trợ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khảo sát, hỗ trợ cho vay vốn giúp các hợp tác xã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua máy móc, đầu tư giống cây, con phát triển sản xuất kinh doanh. Kết quả, tính đến hết năm 2022, tổng các dự án đã được vay vốn trung hạn từ Quỹ Trung ương đạt hơn 63 tỷ đồng.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, từ năm 2016 đến nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ động phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán bộ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức trên 50 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý, điều hành cho gần 3.000 lượt cán bộ hội đồng quản trị, kế toán, kiểm soát của các hợp tác xã trong tỉnh.

Hướng đến nền nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, trong năm 2022, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với Trung tâm ứng dụng của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, tư vấn cho 10 hợp tác xã xác định sản phẩm chủ lực, xây dựng phương án chủ động tổ chức sản xuất gắn với thiết kế mẫu bao bì, tem nhãn, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh thông tin, Nam Định chủ trương phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đồng bộ về số lượng và chất lượng, đa dạng về loại hình, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển.

Với mục tiêu hàng năm thành lập mới được 10 hợp tác xã trở lên, xây dựng 2 - 3 chuỗi giá trị, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có ít nhất 2 liên hiệp hợp tác xã. Liên minh Hợp tác xã tỉnh tăng cường tham mưu với các cấp chính quyền hoàn thiện khung pháp lý, có cơ chế chính sách phù hợp với thực tế nhu cầu phát triển của hợp tác xã, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình củng cố, xây dựng và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, hướng dẫn các hợp tác xã phát huy lợi thế địa phương lựa chọn quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và trang thiết bị hiện đại vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các dịch vụ tài chính, tín dụng hiệu quả nhằm tăng nguồn lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển./.

>>>Phát triển hợp tác xã từ thực tiễn ở Nam Định - Bài 1: Đổi mới mô hình hoạt động

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục