Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Quy định số lượng hợp lý thành viên hợp tác xã

20:50' - 16/03/2023
BNEWS Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về tên gọi của dự án Luật, Thường trực Ủy ban tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản và thiết kế lại bố cục, kết cấu bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.

Về Liên đoàn hợp tác xã, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung này tại dự thảo Luật. Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã.

 

Liên quan đến Tổ hợp tác (Chương IX), Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quy định về tổ hợp tác tại dự thảo Luật là cần thiết nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ hợp tác và phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới".

Tuy nhiên, do nhiều nội dung liên quan đến tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự nên tại dự thảo Luật chỉ quy định một số nguyên tắc về tổ hợp tác.

Việc đăng ký tổ hợp tác, chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã là không bắt buộc, chỉ mang tính khuyến khích nhằm một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển trên tinh thần tự nguyện thành lập nhưng mặt khác cũng cần có sự quản lý nhà nước và đưa các chính sách của Nhà nước đến với tổ hợp tác.

Chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành hợp tác xã tương tự như chính sách hỗ trợ hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật số 04/2017/QH14).

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tính toán quy định thêm về điều kiện chuyển đổi như thời gian hoạt động tối thiểu của tổ hợp tác trước khi chuyển đổi thành hợp tác xã… nhằm tránh trường hợp trục lợi chính sách như thành lập tổ hợp tác trong thời gian rất ngắn và chuyển đổi thành hợp tác xã để được hưởng các chính sách hỗ trợ.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đến nay, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cơ bản thống nhất nhiều nội dung cơ bản, dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.

Về chính sách tiếp cận vốn trong dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên quy định rõ các ngân hàng thương mại cho các chủ thể tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại theo quy định pháp luật trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, nguyện vọng của những cán bộ, nhân viên của hợp tác xã là khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Đây là nội dung chính trong chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng của Việt Nam.

Do đó, cần nghiên cứu quy định cụ thể các trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện trong dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã bởi đây là nội dung vướng nhưng dự thảo luật chưa đề cập đến.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị giữ nguyên tên của dự thảo Luật là Luật Hợp tác xã vì tên gọi này đảm bảo bao quát, gắn với lịch sử phát triển của kinh tế tập thể của Việt Nam từ năm 1996 đến nay và được sử dụng thường xuyên, có sự quen thuộc trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định số lượng hợp lý thành viên hợp tác xã, xem xét có thể tăng từ 5 đến 7 thành viên chính thức, tự nguyện thành lập nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Bên cạnh đó, xem xét quy định về lộ trình tăng số lượng thành viên, nghiên cứu các tiêu chí hỗ trợ ưu tiên cho các hợp tác xã có nhiều thành viên. “Việc khuyến khích các thành viên mới tham gia hợp tác xã là cần thiết, tránh các trường hợp hộ gia đình hoặc doanh nghiệp tư nhân trá hình hoạt động theo mô hình hợp tác xã để trục lợi chính sách”, ông Cường nhấn mạnh.

Về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, ông Bùi Văn Cường cho rằng, không nên cho phép chuyển nhượng, tránh tạo điều kiện giao dịch để chuyển tài sản của mình thông qua hợp tác xã cho người khác cũng như tránh việc mua bán cổ phần dẫn đến tình trạng không phản ánh đúng ý nghĩa bản chất của hợp tác xã, kinh tế hợp tác. Bên cạnh đó cần nghiên cứu để quy định thời gian hoạt động của tổ hợp tác cho đến khi được chuyển đổi thành hợp tác xã.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, không nên đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà chỉ quy định thành viên được trả lại phần góp vốn khi ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của luật và các điều lệ.

Quy định như vậy để nhằm tránh hiện tượng mua bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, không phản ánh đúng bản chất hợp tác xã tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) và xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục