Phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Hiện đại hóa khai thác hải sản

08:19' - 03/05/2022
BNEWS Với gần 32 km bờ biển, tỉnh Tiền Giang có điều kiện thuận lợi, thế mạnh để phát triển kinh tế biển; trong đó, nghề đánh bắt hải sản được xem là mũi nhọn.

Trong những năm gần đây, để hỗ trợ ngư dân bám biển đánh bắt hải sản ngoài khơi xa, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân để hiện đại hóa phương tiện đánh bắt, có điều kiện khai thác ở những ngư trường xa hơn.

* Vững vàng bám ngư trường

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có đội tàu đánh bắt hải sản chủ yếu khai thác khơi xa. Trong quý I/2022, sản lượng khai thác thủy sản đạt 39.738 tấn, giá các sản phẩm khai thác ổn định nên hầu hết đội tàu đánh bắt đều có lãi.

Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang nằm ven biển Gò Công có nghề biển truyền thống từ lâu đời, phát triển mạnh với tổng cộng 930 phương tiện; trong đó, 2/3 phương tiện có công suất lớn, đánh bắt khơi xa.

 

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông cho biết, toàn huyện có 891 phương tiện khai thác hải sản, chủ yếu là đánh bắt xa bờ là 668 phương tiện cùng 223 phương tiện đánh bắt gần bờ, với sản lượng hàng năm đạt gần 35.000 tấn.

Ở xóm Lăng, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, có hai đội tàu đánh bắt xa khơi. Anh Nguyễn Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu TG2995TS vừa trở về sau chuyến đánh bắt phấn khởi cho biết, chuyến này, tàu của anh đánh bắt được 12 tấn cá thu ngừ, ngừ bò, cá chuối… bán được với giá trung bình 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí của chuyến đi (gần 200 triệu đồng), mỗi thuyền viên được chia từ 15-20 triệu đồng.

Còn tàu của anh Nguyễn Văn Định, ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, chủ tàu TG 93639TS có công suất 200 mã lực, trong chuyến đánh bắt lần trước nhờ trúng đậm nên mỗi thuyền viên được chia nhau khoảng 20 triệu đồng. Các tàu khác trong đoàn tàu ở ấp Lăng, xã Tân Phước đánh bắt xa khơi đều trúng đậm như vậy…

Nhằm nâng cao thời gian bám biển để khai thác đánh bắt ở ngư trường xa, Chi cục thủy sản tỉnh Tiền Giang đã vận động, hướng dẫn xây dựng các tổ hợp tác khai thác và đoàn kết sản xuất trên biển.

Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 11 tổ hợp tác khai thác thủy sản và 51 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 267 phương tiện. Mô hình các tổ đội này đã giúp nâng cao hiệu quả khai thác của đội tàu tăng thời gian bám biển, sản phẩm gửi vào bờ bán giá cao, thường xuyên hỗ trợ nhau khi gặp nạn trên biển, cũng như giúp các chủ phương tiện đối phó với giá xăng dầu vật tư tăng cao, giảm bớt chi phí.

Các tàu đánh bắt xa khơi trên biển của ấp Lăng, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông đều hoạt động theo mô hình tổ khai thác vì các chủ tàu đều có họ hàng với nhau và hành nghề đánh bắt truyền thống lưới rê quàng lưu truyền đã 4 đời.

Các tàu đều được trang bị máy thông tin tầm xa (ICOM) để liên lạc thường xuyên với nhau và liên lạc với đất liền, góp phần hạn chế thấp nhất những rủi ro... Cả đoàn tàu chia thành nhiều tổ đánh bắt; trong đó có vài chiếc luân phiên vận chuyển nhiên liệu, nước đá và thực phẩm ra; đồng thời thu gom cá từ các tàu khác trở về đất liền bán cho thương lái.

*Để nghề khai thác hải sản phát triển bền vững

Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết,  hoạt động khai thác thủy sản những năm qua đã được tỉnh Tiền Giang quan tâm đầu tư phát triển, trên cơ sở các nguồn lực sẵn có và sự vận dụng kịp thời, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Trung ương.

Tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ nhân dân cải hoán, đóng mới tàu cá có công suất trên 90 CV để tham gia khai thác xa bờ; nâng cấp cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão đáp ứng tốt dịch vụ hậu cần nghề cá; vận động thành lập các tổ đội hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ khi khai thác trên biển.

Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai các hoạt động nhằm thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là triển khai quyết định hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về của ngư dân trên địa bàn tỉnh trên mỗi chuyến đi biển.

Theo đó, có 4 mức được hỗ trợ, gồm: tàu từ 90 - 150  CV được hỗ trợ 18 triệu đồng/chuyến; tàu từ 150 - 250CV hỗ trợ 25 triệu đồng/chuyến; tàu từ 250 đến dưới 400 CV được hỗ trợ 45 triệu đồng/chuyến; tàu từ 400 CV trở lên được hỗ trợ 60 triệu đồng/chuyến.

Mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ sẽ được hỗ trợ 4 chuyến/ năm… Đơn vị đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho các tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa trong đợt đầu năm 2022 cho 108 hồ sơ với tổng kinh phí trên 7,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 459/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt cấp 179 máy thu trực canh (loại máy chuyên dụng để tiếp nhận thông tin thời tiết trên biển) cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Qua đó, giúp ngư dân có điều kiện theo dõi, nắm bắt thông tin chính xác về thời tiết để chủ động trong phòng tránh và tìm nơi tránh trú bão an toàn khi gặp bất lợi về thời tiết lúc đang hoạt động khai thác thủy sản.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng máy dò ngang (sonar) JMC-CSL 1000 cho tàu đánh bắt xa bờ. Thiết bị này trị giá 280 triệu đồng; trong đó chủ tàu được Nhà nước hỗ trợ 50% (140 triệu đồng).

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, thời gian tới địa phương tiếp tục vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương hỗ trợ phát triển thủy sản ở địa phương, đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. 

Đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực thủy sản theo hướng giảm dần sản lượng khai thác ven bờ, tiếp tục hỗ trợ cải hoán, đóng mới tàu có công suất trên 90 CV.

Tỉnh tập trung phát triển đội tàu khai xa bờ tham gia khai thác ở các vùng biển xa, gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc ngư cụ, áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá như khôi phục, đầu tư phát triển các cơ sở đóng mới, sửa, bảo dưỡng tàu cá. Đầu tư nâng cấp cảng cá Mỹ Tho, cảng cá Vàm Láng kết hợp khu neo đậu tránh trú bảo, các bến cá đảm bảo đầy đủ các dịch vụ phục vụ cho khai thác và bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác như các cơ sở sản xuất nước đá, kho lạnh... để có khả năng thu hút tàu cá của nhiều địa phương.

Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về ghi chép nhật ký khai thác và kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong khai thác, sơ chế, bảo quản nguyên liệu thủy sản... đảm bảo yêu cầu về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác và chất lượng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục