Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại An Giang

17:59' - 24/09/2018
BNEWS Trung tâm khuyến nông tỉnh An Giang đã tập trung hướng dẫn cho nông dân tổ chức các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chăm sóc lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay ngành nông nghiệp của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động khuyến nông nhằm chọn tạo các loại giống tốt, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Trong vụ Đông xuân 2017 – 2018 tại các huyện Phú Tân, Tịnh Biên, Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn, và thành phố Châu Đốc, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã tổ chức 8 cuộc hội thảo về mô hình so sánh các giống lúa, lúa nếp có triển vọng để gieo sạ trong các vụ sau, với ưu điểm của các giống này có thể đạt năng suất thực tế từ 6,7 tấn đến đạt 8,4 tấn/ha như các giống lúa OM 448, OM 418, OM 454, OM 465, OM 6976, OM 468, giống Đài Thơm 8, OM 232, và các giống lúa nếp như giống CK 92, OM 406, giống số 3 –Đại học Cần Thơ.

Ưu điểm các giống lúa và lúa nếp này phù hợp với gieo trồng trên các vùng đất trong tỉnh và theo vùng sản xuất đã quy hoạch, tạo ra sản lượng lúa và lúa nếp hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Các cuộc hội thảo khuyến nông tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên nhằm xây dựng các mô hình cải thiện năng suất lúa tại huyện, nhất là các giống lúa thơm đặc sản của địa phương, tập huấn lớp kỹ thuật trồng cây màu tại vùng chuyên màu của huyện Châu Phú, tập huấn lớp trồng cây ăn trái tại huyện Phú Tân, huyện Thoại Sơn và tập huấn các lớp trồng rau an toàn cho nông dân tại huyện Phú Tân, huyện Tri Tôn, và thành phố Châu Đốc.

Trung tâm khuyến nông tỉnh An Giang đã tập trung hướng dẫn cho nông dân tổ chức các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và tiếp tục duy trì mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của 6 hộ dân tại thành phố Long Xuyên, với tổng diện tích áp dụng là 9,2 ha.

Đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, với diện tích sản xuất là trên 12,1 ha, của 43 hộ nông dân, đảm bảo hàng ngày cung cấp cho siêu thị Coop Mart, chợ Mỹ Bình, Mỹ Long số lượng từ 300 kg đến 500 kg rau sạch, an toàn các loại.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng hỗ trợ các địa phương phát triển mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới tại 31 nhà lưới ở thành phố Châu Đốc, Long Xuyên, huyện Chợ Mới, huyện An Phú, huyện Châu Thành, huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu… với diện tích mỗi nhà lưới rộng từ 500 m2 đến 1.000 m2.

Xây dựng nhà lưới sản xuất rau hữu cơ áp dụng công nghệ cao với quy mô 500 m2 tại thành phố Long Xuyên nhằm từng bước nâng cao năng lực cung cấp rau an toàn cho tiêu dùng và xuất khẩu sang Campuchia.

Bên cạnh đó, thực hiện mô hình khuyến nông đang cho kết quả tốt như trình diễn hệ thống tưới nhỏ giọt hẹn giờ trên cây dưa leo, cà chua, nuôi giống vịt siêu nạc kết hợp ứng dụng chế phẩm probiotic, nuôi vỗ béo con cua đồng trong ao đất và nuôi cá trạch lấu trong bể lót bạt.

Thực hiện Chương trình khuyến nông Trung ương, tỉnh An Giang đã triển khai Dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ trong vụ Đông Xuân 2017-2018, được tổ chức thực hiện tại xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, với tổng diện tích thực hiện là 30 ha, có 45 hộ tham gia, đã cho kết quả là năng suất mô hình đạt từ 6 tấn đến 7 tấn/ha (lúa tươi), so với ngoài mô hình đạt từ 5,2 tấn đến 5,5 tấn/ha (lúa tươi)./.

>>>Hơn 720 ha lúa Thu Đông ngập trong nước lũ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục