Phát triển nuôi cá lồng bè bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái

17:00' - 03/12/2021
BNEWS Thông tin tại diễn đàn cho thấy, những năm qua, việc nuôi cá lồng bè trên sông và các hồ chứa được nhiều tỉnh ở miền Bắc triển khai

 

Cần phát triển nuôi cá lồng bè theo quy hoạch gắn với làm tốt việc liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cá lồng… là những đề xuất được đưa ra tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp trực tuyến về “Phát triển nuôi cá lồng bè bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái” được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương phối hợp tổ chức ngày 2/12.

Thông tin tại diễn đàn cho thấy, những năm qua, việc nuôi cá lồng bè trên sông và các hồ chứa được nhiều tỉnh ở miền Bắc triển khai. Đơn cử, tỉnh Bắc Ninh hiện có trên 2.200 lồng cá.

Tỉnh Hưng Yên có 449 lồng và phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 800 lồng cá. Tỉnh Hải Dương hiện có 7.040 lồng nuôi tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và thành phố Hải Dương với sản lượng cá lồng mỗi năm trung bình đạt khoảng 17.000 tấn.

Các đối tượng nuôi đa dạng như: trắm giòn, chép giòn, cá lăng, cá ngạnh, cá tầm, cá diêu hồng… Nhìn chung, nông dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc và hóa chất, giám sát và quản lý môi trường nuôi cá lồng bè. Nghề nuôi cá lồng bè đã mang lại thu nhập cao, cải thiện đời sống cho nông dân.

 

Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng bè hiện nay còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, tỷ lệ các hộ nuôi cá lồng bè tại Hải Dương được cấp phép đăng ký còn thấp, việc nuôi cá lồng trên sông phát triển nhanh gây áp lực đối với môi trường nước.

Cộng với đó, giá cả còn bấp bênh, liên kết chuỗi trong nuôi cá lồng bè còn thấp. Tại tỉnh Bắc Ninh, những khó khăn khác được kể đến là nguy cơ nguồn nước sông ô nhiễm do nước thải có thể tác động trực tiếp đến việc nuôi cá lồng; nhiều nơi còn phát triển tự phát, quản lý thiếu đồng bộ; chưa làm tốt việc xây dựng chuỗi liên kết tổ chức sản xuất; một số nông dân thiếu kiến thức quản lý và tổ chức sản xuất…

Để phát triển nuôi cá lồng bè bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất các chương trình khuyến ngư nuôi thủy sản nước ngọt như dự án phát triển nuôi các loại cá rô phi, cá chép, cá diêu hồng trên sông và hồ chưa; dự án phát triển nuôi thủy đặc sản lồng bè như trắm đen, cá chình, cá lăng, cá bỗng, cá chạch, cua đồng, ba ba, ếch, cá ngạnh… và Dự án phát triển nuôi một số loại cá nước lạnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh việc công nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nuôi cá lồng bè để sản xuất và nhân rộng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học để phát triển sản xuất giống thủy sản nước ngọt có chất lượng tốt; tăng cường quan trắc môi trường, dịch bệnh để cảnh báo nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi; tăng nguồn kinh phí khuyến ngư.

Đồng thời, tổ chức diễn đàn, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc nuôi cá lồng bè đảm bảo an toàn môi trường, an toàn vệ sinh gắn với tiêu thụ sản phẩm.

 

Đại diện Trung tâm khuyến nông Quốc gia và lãnh đạo Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng kiến nghị các địa phương phát triển nuôi cá lồng theo quy hoạch và tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương cần tham mưu để đưa quy hoạch phát triển nuôi cá lồng bè tích hợp vào quy hoạch của tỉnh; gắn việc nuôi cá lồng với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Các địa phương tập trung nhân rộng mô hình nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm và theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức các mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất; quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và xúc tiến thương mại để sản phẩm sản xuất ra có thị trường tiêu thụ ổn định.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác khuyến ngư, tăng cường phát triển đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông; chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nuôi; xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Theo đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo và có văn bản hướng dẫn các địa phương thống kê cơ sở sản xuất giống thủy sản và xem xét cấp chứng nhận đối với các cơ sở đủ điều kiện để sản xuất giống. Đồng thời, Bộ cũng đang nghiên cứu để sửa đổi các văn bản, quy định của pháp luật về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục