Phát triển Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế

13:15' - 18/02/2016
BNEWS Xây dựng, phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế là một trong ba khâu đột phá của tỉnh Kiên Giang trong chiến lược phát triển giai đoạn 2016/20.
Xây dựng, phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh Kiên Giang trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. 

* Bừng lên sức sống mới

Có thể khẳng định hành trình 12 năm đầu tư phát triển, Phú Quốc nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để chế tác “hòn ngọc thô” trở thành hòn ngọc quý như ngày hôm nay là một điểm sáng, điểm nhấn ấn tượng, rất đáng tự hào của Kiên Giang trong 30 năm đồng hành cùng đất nước thực hiện công cuộc đổi mới. 

Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long, với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”. Ảnh: TTXVN

Phấn khởi trước dáng hình Phú Quốc khoác trên mình chiếc áo đô thị hiện đại, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng chia sẻ, đến nay, nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật quan trọng về đường giao thông, hàng không, điện ở Phú Quốc đã hoàn thành; nhiều dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ đã được triển khai; dịch vụ hàng không tiếp tục mở rộng kết nối với một số nước, tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại của các tầng lớp nhân dân và của các nhà đầu tư. Tổ chức bộ máy được kiện toàn, đã thành lập Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư vào đảo ngọc này. 

Ông Đoàn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, trong 5 năm qua (2011 - 2015) được xem là bước khởi động với bao điều mới mẻ về đền bù, giải tỏa, phát triển hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư, thu hút lao động… Huyện vận dụng sáng tạo những cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ và bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế những năm qua luôn tăng trưởng ở mức cao và ổn định, bình quân tăng trên 27,5%; trong đó năm 2015 tăng 32,36%. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 5.469 USD, tăng 3,7 lần so với năm 2010. Năm 2015, lượng du khách đến Phú Quốc hơn 873.600 lượt người; trong đó khách quốc tế trên 151.700 lượt người, doanh thu du lịch đạt 3.140 tỷ đồng, tăng 6,8 lần so với năm 2010. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên và tỉ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 1,2%. Tính đến trung tuần tháng 1/2016, huyện có 230 dự án đăng ký tham gia đầu tư với tổng diện tích 10.150 ha; trong đó, 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có tổng vốn hơn 183.000 tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị, kinh tế biển, du lịch, thương mại và dịch vụ. 

Theo ông Đoàn Văn Tiến, trong số những dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến nay đã có 24 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 25.830 tỷ đồng; 23 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư 25.371 tỷ đồng. Nhiều dự án, công trình lớn đã xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác như: Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, trục chính giao thông Nam - Bắc đảo và hệ thống đường vòng quanh đảo, Cảng biển Quốc tế An Thới, cáp ngầm 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc đưa điện lưới quốc gia ra đảo, quần thể du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc ... 

Những ngày sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, “đại công trường Phú Quốc” càng náo nhiệt, nhộn nhịp hơn khi hàng nghìn công nhân lao động trở lại làm việc trên các công trường xây dựng. Khách du lịch trong nước và thế giới tiếp tục đến Phú Quốc tham quan, nghỉ dưỡng và tất cả như tiếp thêm cho hòn đảo ngọc này nội lực phát triển, bừng lên sức sống mới. 

* Từng bước trở thành đặc khu kinh tế 

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng khẳng định: “Trong 5 năm (2016 - 2020) tập trung chỉ đạo huyện đảo Phú Quốc phát triển nhanh và đồng bộ; xây dựng và phát triển huyện đảo Phú Quốc từng bước trở thành đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh để tạo cực tăng trưởng và tác động lan tỏa đến các vùng khác trong tỉnh”. 

Vinpearl Phú Quốc, một trong những dự án đầu tư quy mô lớn của Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Vinpearlland.com

Để đạt mục tiêu, tỉnh Kiên Giang tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch đảo Phú Quốc phù hợp với định hướng phát triển; phối hợp hoàn thiện đề án Đặc khu kinh tế Phú Quốc; xây dựng thể chế, chính sách có tính đột phá, có sức cạnh tranh quốc tế để thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, thị trường vào đầu tư; triển khai thực hiện các quy hoạch theo hướng khai thác hiệu quả hơn tiềm năng của Phú Quốc. Tỉnh cũng từng bước phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á theo mô hình đặc khu kinh tế mở, hướng ngoại với 3 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính, ngân hàng và kinh tế biển. 

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ trên đảo. Cụ thể là đường giao thông trục chính Nam - Bắc đảo, hệ thống đường vòng quanh đảo, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý chất thải, nước thải và các dự án dịch vụ du lịch của các nhà đầu tư. Kiên Giang chú trọng chuẩn bị tốt quỹ đất sạch và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã quy hoạch như: Bãi Trường, Bãi Sao, Bãi Vòng, Bãi Dài, Vịnh Đầm... Ngoài ra, tỉnh củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện, cấp xã, bảo đảm hoạt động hiệu quả, hướng tới phù hợp với mô hình đặc khu kinh tế; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc, đảm bảo cho Phú Quốc phát triển nhanh, ổn định và bền vững. 

Trước mắt, tỉnh tiếp tục đầu phát triển du lịch Phú Quốc thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ lực; tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch Phú Quốc, gắn liên kết du lịch của Phú Quốc với các vùng trong nước, các nước trong khu vực và quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng; gắn phát triển du lịch với bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái đặc thù. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch một cách chuyên nghiệp để kêu gọi đầu tư và thu hút du khách; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, trọng tâm là điều chỉnh, bổ sung đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với các dự án đầu tư, kinh doanh du lịch./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục