Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Lành mạnh hóa, nhưng không “bóp nghẹt”

16:47' - 19/04/2022
BNEWS Sau việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 lô trái phiếu do Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành, một loạt bất cập trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được giới chuyên gia phân tích, mổ xẻ.

Theo các chuyên gia, việc lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp là hết sức cần thiết hiện nay, để nắn dòng vốn quan trọng này thực sự trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

* Trái phiếu "3 không" lũng đoạn thị trường

Tại tọa đàm Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp do Báo Người Lao động tổ chức ngày 19/4, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng cho nền kinh tế. Mỗi năm hệ thống ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế khoảng 1,4 - 1,5 triệu tỷ đồng; trong đó có khoảng 45% là vốn trung dài hạn.

Ước tính giai đoạn 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn nhà nước chỉ chiếm 25-26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Hiện vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% tổng lượng vốn đưa ra nền kinh tế. Do đó, thị trường trái phiếu còn nhiều dư địa phát triển.

Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa phát triển để cung cấp vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh nhìn nhận vai trò của trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng cũng cần bắt đúng "bệnh" để phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh hơn, tránh những vụ việc như Tân Hoàng Minh vừa qua.

 

Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều trái phiếu doanh nghiệp gắn với khái niệm "3 không": không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán và không tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hơn, có thể còn có cái "không" thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn so với việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, tỷ lệ trái phiếu "3 không" chiếm tới hơn 30% trong tổng lượng trái phiếu phát hành và chủ yếu rơi vào trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết, không cần chứng minh tình hình tài chính, không cần tài sản bảo đảm. Chưa kể, có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu và sử dụng vốn ồ ạt.

"Ở nhiều quốc gia, việc không cần báo cáo tài chính, chứng minh tài sản là bình tường nhưng với thị trường non trẻ như Việt Nam thì điều này chưa phù hợp. Ngay cả việc xem xét số lượng phát hành trái phiếu của chúng ta cũng không đến nơi đến chốn, quy định vốn vay trên vốn chủ sở hữu cần phù hợp để bảo đảm khả năng trả nợ", ông Thịnh cho hay.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á cho biết, câu chuyện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là tự vay và tự trả nên không có cơ chế kiểm soát dòng vốn sau phát hành. Sau khi phát hành xong, các kênh như ngân hàng, công ty chứng khoán tiếp tục phân phối trái phiếu doanh nghiệp thông qua kênh bán lẻ của họ. Thậm chí, chào mời cả những nhà đầu tư đã gửi tiết kiệm.

"Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp được phát hành với lãi suất khoảng 12%/năm và tổng chi phí cho kênh này khoảng 15%/năm bao gồm cả chi phí cho kênh phân phối, bảo lãnh phát hành. Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay chỉ khoảng 6%/năm, điều này khiến nhà đầu tư bị hấp dẫn khi mua trái phiếu doanh nghiệp", ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.

TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, khoảng 60% người mua trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng. Vì vậy, trong quá trình triển khai các gói chính sách, gói hỗ trợ kinh tế cần kiểm soát dòng vốn này để tránh hạn chế chảy vào trái phiếu doanh nghiệp, tránh bài học về nợ xấu trong quá khứ.

* Cần lành mạnh hóa thị trường

Với kinh nghiệm 12 năm khảo sát một số thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…, ông Phùng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Rating) cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn mới và quá non trẻ. Những gì thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đang trải qua cũng là những "lỗi" mà các thị trường nói trên mắc phải từ 20-30 năm trước khi còn ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, bản thân thị trường không có lỗi, chính sách do chúng ta làm nên.

Ông Minh cho rằng, hiện nay thị tường trái phiếu doanh nghiệp cần sẵn sàng 3 yêu cầu quan trọng gồm: Nhà nước định hướng quản lý, tiền kiểm là khâu quan trọng; minh bạch thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường (nhà phát hành, tổ chức xếp hạng…). Trong đó, Nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển, nâng cao văn hoá xếp hạng tín nhiệm…

Các chuyên gia cho rằng, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh trong thời gian tới, hoạt động đánh giá xếp hạng tín nhiệm cần được thúc đẩy triển khai hơn nữa.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh "chia lửa" cho các ngân hàng. Do đó, khi kiểm tra giám sát không nên làm quá chặt hoặc quá lỏng mà cần có cơ chế thị trường để họ tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu.

"Gần đây, có khoảng 2-3 công ty được cơ quan quản lý cấp phép cho đánh giá tín dụng, xếp hạng tín nhiệm. Tôi cho rằng ở điều kiện tối thiểu nhất của trái phiếu phát hành doanh nghiệp, cần đánh giá tín dụng. Thậm chí, bắt buộc tất cả những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều bắt buộc phải đánh giá cơ chế tín dụng từ những tổ chức được cấp phép này", ông Tuấn đề xuất biện pháp giám sát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Cũng liên quan đến xếp hạng tín nhiệm, TS. Lê Đạt Chí cho rằng, các quy định hiện nay vẫn chưa đủ, chưa đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Do đó, cần phải có Luật, để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực. Muốn phát triển thị trường nợ thì phải nâng lên thành luật.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, cần phải khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm, như ở Singapore, Hàn Quốc… có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc 100% mà khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc chỉ khuyến khích hay bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên, có thể giãn dần các quy định bắt buộc.

Đồng thời cũng cần phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, các cơ quan chức năng cần mở rộng giáo dục đầu tư tài chính đối với nhà đầu tư cá nhân, bởi hiện này đối tượng này đang bị bỏ ngỏ.

Ngoài ra, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua. Việc xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành và kể cả doanh nghiệp.

"Chúng ta nêu vấn đề để tìm giải pháp lành mạnh hoá thị trường chứ không phải bóp nghẹt thị trường. Không phải vì một số trường hợp vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chặt quá mức, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội", TS. Cấn Văn Lực cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục