Phát triển thương mại khu vực phía Nam - Bài 3: Thắt chặt kết nối cung cầu

07:31' - 08/09/2017
BNEWS Ở nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng nhà sản xuất và nhà phân phối chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện kết nối cung cầu hàng hóa.

Vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam đã và đang từng bước xây dựng và đạt được những kết quả tích cực trong cơ chế liên kết vùng, thúc đẩy các hoạt động thương mại, tiêu thụ hàng hóa, tuy nhiên vẫn còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ để tạo sự "bứt phá" mang tính khu vực.

Đặc biệt, hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết để khơi thông luân chuyển hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất đến thị trường.

Cắt giảm khâu trung gian

Hiệu quả của việc liên kết đã được khẳng định, nhưng tại các buổi kết nối cung cầu hàng hóa hay các hội nghị đẩy mạnh đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối hiện đại do nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tổ chức trong thời gian gần đây, hàng loạt sản phẩm của doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã... đều gặp khó khi "trầy trật" đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

Nông dân vẫn gặp tình trạng ép giá của thương lái do vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến phát triển chưa theo quy hoạch.. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các đơn vị sản xuất kinh doanh địa phương chưa đáp ứng được đòi hỏi của các hệ thống phân phối về yêu cầu chất lượng, số lượng và thị hiếu tiêu dùng.

Cụ thể, tình hình tiêu thụ nông sản tại các địa phương trong khu vực phía Nam chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nông dân vẫn gặp tình trạng ép giá của thương lái do vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến phát triển chưa theo quy hoạch.

Sự hợp tác, liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã, đơn vị sản xuất với doanh nghiệp, cơ sở chế biến chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế ràng buộc. Đồng thời, năng lực sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu giữa các địa phương chưa đồng đều, chưa có nhiều thương hiệu tạo được uy tín đối với người tiêu dùng.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, tại Long An, mặc dù nông dân đã từng bước tham gia vào quy trình sản xuất tập trung và sản phẩm đạt tiêu chuẩn ViệtGAP nhưng đầu ra sản phẩm vẫn chưa được ổn định.

Các mặt hàng như thanh long, chanh không hạt, gạo thường xuyên chịu sức ép từ thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc và các thương lái thu mua trung gian, giá nông sản biến động thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ vẫn chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ ra các tỉnh lân cận và khu vực.

Ghi nhận thực tế tại thị trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hay một số tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ cho thấy, đều chưa có nhiều đơn vị lớn làm đầu mối mua hàng hóa nông sản, thực phẩm hay thực hiện thu gom hàng hóa tập trung để cung cấp cho các hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bán lẻ.

Trong đó, đại diện một số địa phương phản ánh, vẫn còn nhiều nông hộ, hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo hướng tự phát, quy mô nhỏ lẻ theo tập quán truyền thống, sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu về cấp giấy chứng nhận thương hiệu, sản phẩm chưa đồng nhất về chất lượng, chưa có bao bì phù hợp…

Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cũng chưa có nhiều doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua khiến các hợp đồng nguyên tắc được ký kết với các nhà phân phối lớn gặp khó khăn khi triển khai do không thống nhất được mức chiết khấu, thời gian giao, nhận hàng và phương thức thanh toán.

Mặc dù, các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, LOTTE Mart, Aeon Việt Nam, Big C... luôn cam kết ưu tiên đưa hàng hóa Việt Nam vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, nhưng ngược lại cũng đưa ra những tiêu chuẩn chất lượng rất nghiệm ngặt để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Ở nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng nhà sản xuất và nhà phân phối chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện kết nối cung cầu hàng hóa.

Một số chuyên gia cho rằng, cùng với việc tăng cường kết nối cung – cầu thì cắt giảm các khâu trung gian cũng được xem là một giải pháp chiến lược để phát triển thương mại hàng hóa.

Hiện nay phần lớn hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng hóa các tỉnh, thành khu vực phía Nam nói riêng đều trải qua rất nhiều khâu trung gian mới đến được tay người tiêu dùng.

Vì vậy giá thành sản phẩm bị đội lên nhiều lần khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh còn người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi.

Thắt chặt đầu mối kết nối cung - cầu

Để khắc phục những vấn đề này và tối ưu hóa hiệu quả của việc hợp tác giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, nhiều địa phương đề xuất tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, khẩn trương xây dựng và hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa an toàn, chất lượng và đáp ứng như cầu thị trường.

Dưa hấu là một trong nhiều loại nông sản đã từng rơi vào tình trạng dư thừa, rớt giá. Ảnh: TTXVN

Theo đại diện các tỉnh, thành khu vực phía Nam, cần tiếp tục mở rộng việc ký kết các hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ cho hàng hóa, đặc biệt chú trọng vào việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh việc hợp tác trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, đầu mối thu mua nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa được thuận tiện và nhanh chóng.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, các địa phương cần sớm xây dựng quy trình sản xuất – phân phối tiến bộ, an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Song song đó, có giải pháp cụ thể để hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhỏ tham gia vào chương trình kết nối cung cầu vì phần lớn hàng hóa, nhất là đối với lĩnh vực nông sản ở Việt Nam hiện nay vẫn được sản xuất bởi các nông hộ với quy mô nhỏ lẻ.

Ngoài ra, mỗi địa phương phải đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu, nuôi trồng sản phẩm thế mạnh, phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như tránh tình trạng cung vượt quá cầu.

Trong đó, việc thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh thông qua trao đổi thông tin nhu cầu thị trường, nguồn cung hàng hóa và giá cả giữa các địa phương nhằm tránh các hoạt động đầu cơ, gian lận thương mại, ép giá… là vô cùng cần thiết trong việc duy trì sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Cùng quan điểm, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho rằng, các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần có giải pháp hỗ trợ để các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ có cơ hội tham gia trực tiếp vào chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ vì phần lớn sản phẩm hàng hóa trong khu vực đều được tạo ra từ các cơ sở sản xuất, quy mô nhỏ. Đây cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong cuộc chiến cạnh tranh thương mại thời kỳ hội nhập.

Để hạn chế tối đa các khâu trung gian, trực tiếp đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại, nhà bán lẻ nước ngoài, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao khả năng duy trì chất lượng cũng như số lượng sản phẩm trong một thời gian dài.

Muốn vậy, cần phải có hệ thống quản lý đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ từ khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến cho đến lúc tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên thông tin về nhu cầu thị trường, các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trong nước và quốc tế để các doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh... có kế hoạch sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục