Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050

12:12' - 31/12/2023
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: Công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng...); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics.

Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong, ngoài nước. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường.

 

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 8,5 - 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 156 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 34%; dịch vụ chiếm 46%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm khoảng 5%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 40%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7 - 7,5%/năm. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể thu tiền sử dụng đất) bình quân 9 - 10%/năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 95 - 98 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 190 - 200 nghìn tỷ đồng.

Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 7 triệu lượt khách, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế, đóng góp GRDP của ngành du lịch trong tổng GRDP của tỉnh đạt khoảng 15%. Tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50%, đô thị phát triển theo hướng thông minh.

Về xã hội: Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1,5% năm 2030. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp giảm còn dưới 35%; mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 23.000 - 25.000 lao động…

Về kết cấu hạ tầng: Hoàn thành đầu tư khung hệ thống kết cấu hạ tầng như sau: Cảng biển, sân bay hiện đại; Đường cao tốc kết nối thuận lợi với các tỉnh khu vực và cả nước. Hạ tầng số đủ năng lực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số. Hạ tầng đô thị cơ bản được đầu tư hiện đại và tổ chức tốt. Hạ tầng khoa học công nghệ và đào tạo phát triển hình thành một điểm (hub) về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về Quốc phòng, an ninh: Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo, xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động bất ngờ; thực hiện phòng, chống hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống; tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trong tình hình mới, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước, phấn đấu từ năm 2035, tự cân đối được ngân sách Nhà nước. Tỉnh là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc, trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị công được vận hành chủ yếu theo cơ chế của nền kinh tế số, xã hội số.

Các ngành kinh tế phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục