Phiên 12/5, chứng khoán châu Á biến động trái chiều

16:53' - 12/05/2021
BNEWS Phiên 12/5, chứng khoán châu Á biến động trái chiều, khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu về tỷ lệ lạm phát công bố vào cuối ngày.
Thống kê này có thể làm gia tăng dự báo về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,6% xuống 28.147,51 điểm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 217,23 điểm (0,78%) lên 28.231,04 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 20,91 điểm (0,61%) lên 3.462,75 điểm.

Chứng khoán toàn cầu đã khởi đầu tuần này với sắc đỏ bao trùm khi các nhà giao dịch lo lắng các biện pháp kích thích, chương trình tiêm chủng và việc mở cửa trở lại của các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế thế giới, nhưng kéo theo đó là sự bùng nổ chi tiêu sẽ đẩy giá cả tăng cao.

Mối lo ngại trên càng được củng cố khi một loạt mặt hàng bao gồm đồng, quặng sắt và gỗ xẻ tăng kỷ lục hoặc đạt mức cao nhất trong nhiều năm. Bên cạnh đó, các nhà quan sát lưu ý nhu cầu tuyển dụng tăng cao cũng đang đẩy chi phí tiền lương tăng lên và gây thêm sức ép tăng giá tiêu dùng.

Mark Holman, Giám đốc điều hành của TwentyFour Asset Management, cho rằng sẽ không dễ dàng để kéo tám triệu người rời khỏi “ghế sofa” và quay trở lại làm việc nếu mức lương không cao hơn trước và đây là rủi ro đối với lạm phát.

Tâm lý lo lắng vẫn phủ bóng lên các sàn giao dịch, bất chấp việc Fed nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chương trình mua trái phiếu quy mô lớn và mức lãi suất thấp kỷ lục trong thời gian cần thiết cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát liên tục tăng mạnh.

Trong phiên 11/5, cả ba chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall đều tiếp tục đi xuống khi giá hàng hóa gia tăng và sự thiếu hụt lao động làm dấy lên lo ngại rằng việc tăng giá trong ngắn hạn có thể dẫn đến lạm phát trong dài hạn.

Các nhà quan sát dự báo nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến, một đợt bán tháo mạnh trên sàn chứng khoán có thể được thúc đẩy. Trong khi đó, theo nhà phân tích Michael Hewson của CMC Markets, việc CPI tăng khoảng 2,6-3,6% sẽ không gây ngạc nhiên.

Ngoài ra, các chiến lược gia cho rằng sau hơn một năm tăng điểm với mức định giá cổ phiếu khá cao, thị trường đang trải qua một số xáo động. Dù vậy, giới đầu tư vẫn tin tưởng vào đà phục hồi khả quan của kinh tế toàn cầu.

Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch chiều 12/5, chỉ số VN-Index tăng 13,05 điểm (tương đương 1,04%) lên 1.269,09 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 2,57 điểm (0,92%) lên 282,33 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục