Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tạo cơ sở pháp lý thực hiện đổi mới giáo dục

17:18' - 12/03/2018
BNEWS Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Đây là dự án Luật trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu.

Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ quốc hội. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Luật đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân; quản lý Nhà nước về giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm....

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, ngay sau khi được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban soạn thảo với thành phần là đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan để khẩn trương triển khai các hoạt động cần thiết xây dựng dự thảo Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Theo đó, dự thảo Luật được để xuất sửa đổi, bổ sung 50/114 điều, chiếm 44% tổng số điều của Luật Giáo dục hiện hành, bổ sung 3 điều và bãi bỏ 10 điều.

Nội dung chủ yếu của dự thảo Luật tập trung vào ba chính sách, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục, văn bằng, chứng chỉ theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý Nhà nước về giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm.

Làm rõ các điều kiện để phát triển giáo dục có chất lượng

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, chưa giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra trong Tờ trình.

Nhiều quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế chưa được thể chế hóa; giáo dục vẫn chưa được đặt đúng vị trí là “quốc sách hàng đầu”; các điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong bối cảnh giáo dục mới chưa được tiếp cận.

Do vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để thể chế hóa các chính sách cơ bản, tập trung làm rõ triết lý giáo dục, các điều kiện bảo đảm để phát triển giáo dục có chất lượng đồng thời cần nghiên cứu để đưa ra những quy định mang tính dự báo, đặt nền móng và tạo cơ sở pháp lý để triển khai những chính sách giáo dục mới.

Về chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm (Điều 89), dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí.

Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Nhiều ý kiến tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành giáo dục và đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí.

Một số ý kiến đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm thì cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm, nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đồng thời, dự thảo Luật cần sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Tại phiên họp, các nội dung về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; các cấp học, trình độ đào tạo và giáo dục thường xuyên; về đầu tư, tài chính trong giáo dục… cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục