Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam: EPR sẽ là động lực để Việt Nam phát triển nền kinh tế tuần hoàn

13:26' - 04/04/2024
BNEWS Phóng viên TTXVN đã có trao đổi với bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam về những kinh nghiệm của Na Uy trong việc thực thi các quy định về EPR và cơ hội hợp tác giữa Na Uy với Việt Nam.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới để kiểm soát chất thải thải ra môi trường.

Tại Việt Nam, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện tử, dầu nhớt và các loại bao bì phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Để cùng tìm hiểu về những kinh nghiệm của Na Uy trong việc thực thi các quy định về EPR và cơ hội hợp tác giữa Na Uy với Việt Nam trong việc thực thi công cụ này, phóng viên TTXVN đã có trao đổi với bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bên lề tọa đàm “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR): Từ chính sách đến thực thi”.

Tọa đàm do báo Việt Nam News (TTXVN) và Công ty Cổ phần và Quảng cáo Hội chợ Thương mại VINEXAD tổ chức. Trang tin điện tử BNEWS (TTXVN) bảo trợ truyền thông.

Bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Nauy tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Minh Trang/BNEWS/TTXVN
Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về cơ chế và các chính sách thực hiện EPR của Việt Nam hiện nay?

Bà Mette Moglestue: Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ này. Na Uy đánh giá rất cao tham vọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, cũng như chuyển đổi xanh.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là một trong những biện pháp để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu này. Cụ thể là phải đảm bảo các nhà sản xuất hoặc các công ty có trách nhiệm chi trả cho những nguyên liệu hoặc những vật liệu gây hại cho môi trường của mình.

Hiện Việt Nam cũng đã có một số quy định về EPR và đây là một điều rất đáng hoan nghênh. Đây là một khởi đầu tốt, và Việt Nam nên bắt đầu từ điểm khởi đầu này để cải thiện cũng như củng cố hơn nữa cơ chế chính sách của mình để đảm bảo việc thực thi hiệu quả các quy định về EPR.

Phóng viên: Xin bà chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy trong việc thực thi các quy định về EPR?

Bà Mette Moglestue: Theo kinh nghiệm của Na Uy, việc đặt ra những mục tiêu tham vọng về mặt chính sách là điều vô cùng quan trọng.

 

Chúng tôi không ngại đưa ra những quy định cao về mặt chính sách để qua đó có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp có thể than khó, tuy nhiên trên thực tế họ vẫn có thể thực hiện hiệu quả được các quy định, cũng như các chính sách đầy tham vọng của Nhà nước về các tiêu chuẩn cũng như chỉ tiêu EPR mà vẫn có thể kinh doanh thành công. Đây không chỉ là kinh nghiệm ở Na Uy, mà là kinh nghiệm của nhiều nước khác và Việt Nam cũng nên làm như vậy.

>>>Truyền thông giúp thay đổi thực hành sản xuất và hành vi tiêu dùng

Một kinh nghiệm khác của chúng tôi là cơ chế đối thoại. Trong quá trình xây dựng các chính sách của mình. Chính phủ Na Uy đã và đang tham vấn cũng như đối thoại, thường xuyên liên tục với tất cả các bên liên quan, trong đó có các viện nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân và cả báo chí nữa để chúng tôi đảm bảo quyền lợi, cũng như những vấn đề các bên chia sẻ được tính tới trong quá trình xây dựng chính sách.

Mục tiêu là để đảm bảo có được một chính sách EPR hiệu quả và đảm bảo việc thực thi thành công các chính sách này trên thực tế. Chúng tôi xây dựng rất nhiều nền tảng, các diễn đàn để tất cả các bên có thể chia sẻ kiến thức, ý kiến của mình trong quá trình xây dựng chính sách của Chính phủ.

Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác giữa Na Uy và các doanh nghiệp của Na Uy đối với Việt Nam trong việc thực thi các quy định về EPR?

Bà Mette Moglestue: Na Uy ưu tiên rất cao việc quản lý hiệu quả các chất thải và đặc biệt là thúc đẩy tái chế. Chúng tôi là một trong những quốc gia có tỉ lệ thu hồi, tái chế vỏ chai nhựa, vỏ hộp rất cao. Chúng tôi rất chú trọng đến việc thúc đẩy thực thi các EPR vì đây là một công cụ hữu hiệu để đảm bảo việc quản lý hiệu quả chất thải.

Na Uy sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với Việt Nam trong việc xây dựng chính sách cũng như thực thi các chính sách về EPR. Hiện nay, Na Uy đã và đang hợp tác rất chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách về EPR. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp của Na Uy cũng có thể tham gia và chia sẻ công nghệ của mình để đảm bảo các đối tác của Việt Nam cũng có thể tham gia vào quá trình thực thi chính sách của Nhà nước một cách hiệu quả.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục