Phó Thủ tướng: Hợp tác xã nông nghiệp phát triển cả về lượng và chất

15:14' - 20/07/2019
BNEWS Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây.
Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ngày 20/7 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước phải ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân, trọng tâm là kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp, bởi trong khoảng 23.000 hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp chiếm 62%.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây và đang có nhiều tiềm năng phát triển.

Hiệu quả của kinh tế tập được nâng lên, đóng góp tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhận dạng rõ những hạn chế yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết 13 để khắc phục trong thời gian tới như tại sao các chính sách cho hợp tác xã rất nhiều nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, Bộ cần đánh giá kỹ vai trò của tổ hợp tác trong Nghị quyết 13, việc chuyển đổi từ tổ hợp tác lên hợp tác xã...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết 30/06/2019 cả nước đã có 14.452 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó 55% hoạt động hiệu quả, tăng hơn 2 lần so với trước khi thực hiện Luật Hợp tác xã (năm 2012). 

Doanh thu bình quân trên 1,6 tỷ đồng/hợp tác xã, tăng 3,5 lần so với năm 2003; lãi bình quân 203,5 triệu đồng/hợp tác xã, tăng 4 lần.

Bình quân 1 tỉnh có 220 hợp tác xã; trong đó lớn nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng bình quân 362 hợp tác xã/tỉnh; ít nhất là vùng Đông Nam bộ 85 hợp tác xã/tỉnh.

Về tổ hợp tác, đến 31/12/2018 cả nước có 39.354 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, so với năm 2003 tăng 32.759 tổ.

Ưu điểm của tổ hợp tác là tổ chức bộ máy gọn nhẹ, đáp ứng nhu cầu hợp tác của một số ít hộ nông dân; đây là nguồn để các địa phương phát triển hợp tác xã khi các hộ nông dân có nhu cầu hợp tác ở mức độ cao hơn.

Thực tế mỗi năm cả nước có từ 1-3% số tổ hợp tác, tương đương 400 đến 1.000 tổ hợp tác đăng ký thành lập hợp tác xã nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, mô hình hoạt động của hợp tác xã đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thị trường, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nhiều hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp xây dựng được chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình rất phổ biến hiện nay là hợp tác xã chuyên ngành (cây, con) dẫn dắt, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển sản xuất, tham gia chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu thị trường.

Điển hình, Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình chuyên sản xuất các loại nấm, nấm dược cung cấp cho siêu thị, cửa hàng nông sản và các công ty xuất nhập khẩu thực phẩm và liên kết với Tập đoàn Alibaba để xuất khẩu. Hay Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên, tỉnh Sơn La đã ký hợp đồng liên kết với nhiều siêu thị trên thị trường Hà Nội…

Đáng chú ý, tiềm năng, nội lực của hợp tác xã được nâng lên, đặc biệt là trình độ quản lý, khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn.

Nhiều hợp tác xã đã thu hút được cán bộ chuyên môn, cán bộ trẻ đã qua đào tạo về làm việc và đảm nhận được vai trò kết nối giữa hộ thành viên với doanh nghiệp.

Ngay ở những vùng, miền, địa phương trước đây được xem là có nhiều khó khăn  trong sản xuất, nay cũng có những mô hình hợp tác xã khởi sắc, đảm nhiệm được vai trò là động cơ, động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Điển hình như Sơn La, từ một tỉnh có không nhiều về diện tích cây ăn quả, nay đã có diện tích cây ăn quả lớn nhất các tỉnh miền bắc.

Theo ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, nhờ phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần khai thác được tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên của tỉnh trong phát triển nông nghiệp.

Sơn La đã có các hợp tác xã phát triển nhanh cả về chất lượng và số lượng, giữ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đến nay, Sơn La có 588 hợp tác xã; trong đó có 480 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 81,6% tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Để phát triển kinh tế hợp tác xã, từ năm 2015, tỉnh Sơn La không hỗ trợ kinh tế hộ mà hỗ trợ cho thành viên hợp tác xã. Bởi các hộ sẽ không đủ điều kiện để tổ chức sản xuất, chế biến và đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm với yêu cầu chất lượng ngày càng cao, ông Lò Minh Hùng cho biết.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận xét, việc triển khai Nghị quyết 13 trong ngành nông nghiệp là khá rõ và toàn diện từ việc chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết của việc phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp đến những vấn đề đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết còn chậm. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa thấy được tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể.

Chính sách hỗ trợ hợp tác xã ban hành nhiều, nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện. Rất ít các hợp tác xã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về: tín dụng, đất đai, hạ tầng sản xuất.

Một số chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhưng không có đối tượng áp dụng là hợp tác xã. Năng lực nội tại của nhiều hợp tác xã còn yếu, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông ngiệp và xây dựng nông thôn mới, trước mắt nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả đến năm 2020.

Mục tiêu đến năm 2025, thành lập mới khoảng 8.000 hợp tác xã; trong đó có khoảng 20.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Trong giai đoạn 2025-2030, thành lập mới khoảng 4.000 hợp tác xã; trong đó khoảng 25.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Để đạt mục tiêu trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng các cấp, ngành cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách đã ban hành, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách; trong đó tập trung vào tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận các nguồn tín dụng chính; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của hợp tác xã; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để hợp tác xã xây dựng hạ tầng…

Trước thực tế đã có nhiều chính sách cho hợp tác xã nhưng nhiều chính sách chưa vào cuộc sống, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hợp tác xã là đối tượng yếu thế hơn doanh nghiệp, trong khi hợp tác xã mục đích không chỉ là hoạt động về kinh tế mà còn về xã hội, cộng đồng. Hợp tác xã chính là điểm tựa để phát triển bền vững ở cấp khu vực kém lợi thế. Do đó, các chính sách trong thời gian tới cần cụ thể hơn, hiệu quả hơn để “không ai bị bỏ lại phía sau”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục