Tp. Hồ Chí Minh tìm giải pháp phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp

15:44' - 21/06/2019
BNEWS Vận động nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ vốn vay và kết nối với các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản... để phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp.
Kinh tế tập thể nông nghiệp hiện nay yếu nhất vẫn là khâu liên kết từ cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN

Đây là những giải pháp được đề xuất tại Hội nghị chuyên đề “Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp” do Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/6.

Theo báo cáo của Hội Nông dân Thành phố, đến tháng 6 năm 2019, toàn Thành phố có 294 tổ hợp tác nông nghiệp với 3.750 tổ viên, 108 hợp tác xã và một liên hiệp hợp tác xã với 2.476 thành viên đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Dù đã có những nỗ lực trong sản xuất – kinh doanh nhưng Hội Nông dân Thành phố nhìn nhận, hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn còn tương đối nhỏ lẻ, kết quả sản xuất - kinh doanh thấp, tích lũy vốn để đầu tư phát triển kinh doanh không cao; cơ sở vật chất và vốn điều lệ đóng góp không đủ, không huy động được vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Đặc biệt, các hoạt động liên doanh liên kết giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp còn hạn chế nên chưa khai thác được thế mạnh về nguyên liệu, vốn, thị trường để phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Hầu hết các hợp tác xã đang gặp khó khăn về đất đai, nhà xưởng, nguồn vốn, trụ sở làm việc, năng lực lãnh đạo quản lý của ban giám đốc… dẫn tới quy mô của các tổ hợp tác, hợp tác xã bị bó hẹp, sản xuất thủ công phụ thuộc vào sức lao động là chủ yếu, thị trường chưa mở rộng, sản phẩm làm ra chưa đảm bảo số lượng và chất lượng; trình độ quản lý kinh tế không đồng đều.

“Các tổ hợp tác hiện nay chưa xây dựng được kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể nên bị động trong việc thực hiện dịch vụ đầu vào, đầu ra đối với sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận.

Đồng tình với ý kiến này, ông Cấn Sơn Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn -  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế tập thể nông nghiệp hiện nay yếu nhất vẫn là khâu liên kết từ cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Điều này khiến chất lượng nông sản không đồng đều, giá cả vật tư đầu vào tăng trong khi giá bán bấp bênh, không ổn định. Bên cạnh đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục vay vốn, xin giấy phép xây dựng công trình phụ trợ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, số lượng thành viên được cấp giấy chứng nhận VietGap còn ít...

Các đại biểu đề xuất, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã cần có bước phát triển mới về số lượng cũng như chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động với đủ các loại hình dịch vụ, trong đó mở rộng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Thành phố cần có chính sách vận động, thu hút hội viên nông dân tham gia các hình thức từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, từ giản đơn đến các hình thức cao hơn, hoạt động đa ngành, đa nghề phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và xu thế phát triển của xã hội.

Đồng thời, thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực từ bên ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ để đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, marketing sản phẩm... để hỗ trợ trực tiếp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần đưa kinh tế tập thể phát triển bền vững trên địa bàn./.

Xem thêm:

>>Việt Nam - Lào hợp tác phát triển khu vực kinh tế tập thể

>>Sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm phát triển kinh tế tập thể

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục