Phó Thủ tướng: Kịp thời có biện pháp điều hành giá, đảm bảo nguồn cung

13:13' - 13/10/2022
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 9 tháng và định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2022.

Sáng 13/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 9 tháng và định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2022.

* Bảo đảm hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu, trong 9 tháng và nửa đầu tháng 10/2022, công tác chỉ đạo, điều hành giá chịu rất nhiều áp lực trong việc kiểm soát lạm phát. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, việc triển khai của các bộ, ngành và địa phương, đã kiểm soát được tình hình; kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp; cơ bản kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

 

Theo Phó Thủ tướng, trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là diễn biến giá xăng dầu rất khó lường. Ở trong nước, tới cuối năm nay một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết thời hạn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng rất cao; nhu cầu hàng tiêu dùng dịp tết nhất là lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng cũng tăng mạnh trong những tháng cuối năm; tác động của thiên tai, dịch bệnh… sẽ tác động tới công tác điều hành giá.

Do đó, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời tạo tuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát cả năm 2023.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, theo dõi sát kinh tế và lạm phát thế giới và các biện pháp ứng phó của các nước, đặc biệt các nước lớn, các đối tác thương mại quan trọng của nước ta; cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường để kịp thời có các biện pháp điều hành giá chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu đề ra, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành tín dụng, lãi suất, tỷ giá phù hợp…

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để chủ động thực hiện các biện pháp điều hành phù hợp, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: Xăng dầu, năng lượng, lương thực thực phẩm, dịch vụ vận tải… Bộ Công Thương triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả.

Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (về dịch vụ y tế, giáo dục, điện), Phó Thủ tướng giao các bộ ngành chủ động các phương án để triển khai điều chỉnh vào thời điểm thích hợp.

Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải chủ động, kịp thời cung cấp công khai, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dụng và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với công tác quản lý, điều hành giá.

* Tạo nền tảng thuận lợi kiểm soát lạm phát năm 2023

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thời gian qua, kinh tế phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát.

Chỉ số tiêu dùng CPI tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4% và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Bộ Tài chính dự báo thời gian tới, giá xăng dầu dự báo vẫn biến động phức tạp, khó dự đoán. Trong khi đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm. Giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo.

Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch có sự phục hồi trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm có thể làm tăng nhu cầu các mặt hàng vật tư xây dựng, có thể tác động đến giá cả nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời…

Theo đó, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27-3,51%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,2%-3,5%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,4% (dao động khoảng 0,2%).

Về các biện pháp điều hành giá trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao, cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát cả năm 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục