Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đổi mới tư duy, gấp rút tổ chức lại các ngành hàng

11:23' - 13/10/2022
BNEWS Sáng 13/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Đoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về phát triển nông nghiệp, thủy sản, phòng chống thiên tai.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nền nông nghiệp đang đứng trước các nguy cơ như biến đổi khí hậu, biến động về thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng. Điều này đòi hỏi ngành cần đổi mới tư duy, có những hành động cụ thể mới đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế.

 

Vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, Bến Tre cần quan tâm gấp rút tổ chức lại ngành hàng như thủy sản, trái cây,... bắt đầu từ tổ chức lại sản xuất để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm như hiện nay. Mặt khác, tỉnh tăng cường hợp tác, liên kết giữa những người sản xuất và doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Thời gian tới, tỉnh Bến Tre tổ chức thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; trong đó, chú ý đến giá trị, chất lượng trong sản xuất chứ không phải sản lượng như trước đây.

Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng vấn đề nâng cao chất lượng sản xuất giống cây trồng và xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, tỉnh Bến Tre cần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Bên cạnh đó, Bến Tre xúc tiến liên kết các hợp tác xã lại thành liên hiệp hợp tác xã trong thời gian tới.

Riêng đối với những đề xuất của tỉnh Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xem xét lại từng vấn đề cụ thể và sẽ có trao đổi trực tiếp với tỉnh trong thời gian tới.

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, trong 9 tháng năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Bến Tre đã từng bước phục hồi, phát triển sau đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng tưởng kinh tế GRDP 9 tháng đạt 9,95% (đứng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long); trong đó, khu vực I tăng trưởng đạt 3,21% (đứng thứ 7 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).

Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, lợn, bò, tôm biển và hoa kiểng), xây dựng nông thôn mới, kinh tế hợp tác,… đạt nhiều kết quả nổi bật, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, đến nay, Bến Tre có 177 hợp tác xã, 1.105 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản... Tuy hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn nhiều khó khăn nhưng có những chuyển biến tích cực, doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm, từ đó đã mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia.

Song song với việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể của Trung ương, tỉnh đã thực hiện các cơ chế chính sách của địa phương như: chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong  hỗ trợ chuyển đổi số.

Đặc biệt, kết nối giữa doanh nghiệp với hợp tác xã được tập trung thực hiện, bước đầu đã có sự hợp tác khá tốt giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc chuỗi giá trị dừa như Công ty TNHH chế biến dừa Lương Qưới, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Công ty TNHH Dừa xanh, Công ty TNHH Dừa Cười.

Về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 23 xã đạt 15-18 tiêu chí, 39 xã đạt 10- 14 tiêu chí và không có xã đạt dưới 10 tiêu chí; trung bình đạt 16,74 tiêu chí/xã. Tỉnh có một huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới là huyện Chợ Lách và thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhất định. Cụ thể, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng đã có nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp và ngày càng nhanh đã đe dọa và làm thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân, cũng như gây sạt lở mất diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Thạnh Phú.

Ngoài ra, Bến Tre xác định kinh tế vườn và kinh tế biển là hai thế mạnh của tỉnh nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh, nhất là hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp, thủy sản.

Số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn rất ít, quy mô nhỏ nên việc xây dựng liên kết, chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn…

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng Đoàn công tác của Bộ đã đến khảo sát hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri; thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao của hộ ông Nguyễn Minh Nhũ, xã Bảo Thạnh; khảo sát điểm sạt lở cồn Ngoài tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục