Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Giải ngân nhanh nhưng phải đảm đảm chặt chẽ, đúng quy định

19:33' - 03/04/2025
BNEWS Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung hơn nữa cho các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến cao tốc, tuyến đường ven biển.
Chiều 3/4, chủ trì cuộc họp Tổ công tác số 1 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2025 của 18 bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, trong điều kiện phải tăng tốc, bứt phá, đảm bảo tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025, việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế đối ứng  đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ ảnh hưởng nhất định,... Vì vậy thúc đẩy giải ngân được xem là một động lực cho tăng trưởng trên tinh thần các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tháo gỡ khó khăn.

Tổ công tác số 1 gồm 18 đơn vị, trong đó có 9 bộ, cơ quan trung ương: Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Nội vụ; Thanh tra Chính phủ; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; và 9 địa phương: Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định; Phú Yên; Khánh Hòa; Ninh Thuận; Bình Thuận.

Giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 85.802 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao của cả nước. Tính đến hết tháng 3, có 5 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương đã phân bổ hết kế hoạch vốn được giao; còn 4 bộ, cơ quan và 5 địa phương chưa phân bổ hết với tổng số vốn còn lại là 1.597,6 tỷ đồng, chiếm 1,86% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 1.

Ước giải ngân tính đến ngày 31/3 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 1 đạt 11,4% kế hoạch được Thủ tướng giao, cao hơn mức trung bình của cả nước. Trong đó, có 3 cơ quan trung ương và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước, gồm: Bộ Quốc phòng (10,3%); Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (10,4%); Bộ Công an (12,67%); Huế (19,57%); Bình Định (20,25%); Ninh Thuận (13,83%); Đà Nẵng (11,42%).

Có 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân là Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ; 2 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được chỉ ra là liên quan tới việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Hiện nay, để sử dụng hiệu quả kinh phí nhà nước, tránh lãng phí, phù hợp với nhu cầu các đơn vị sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, một số đơn vị phải tạm dừng khởi công mới năm 2025 đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công (bao gồm cả các dự án có vốn địa phương hỗ trợ) cho đến khi có quyết định về phương án tổ chức, sắp xếp bộ máy. Một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư phải điều chỉnh do thực hiện đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, dẫn đến chưa phân bổ kế hoạch vốn. Công tác thanh toán, quyết toán bị gián đoạn hoặc ảnh hưởng do có sự thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình tại địa phương và các cơ quan chức năng mới sau sắp xếp, tổ chức lại bộ máy; việc sáp nhập các sở, ngành dẫn đến thay đổi chủ đầu tư, vì vậy chậm thực hiện thủ tục giải ngân... Ngoài ra, còn có một số khó khăn, vướng mắc khác trong khâu tổ chức thực hiện như vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất...

Chuẩn bị hồ sơ chặt chẽ, đầy đủ

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho biết, tỷ lệ giải ngân của Tổ công tác số 1 cao hơn mức trung bình của cả nước, tuy nhiên, vẫn còn đến 11 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân. Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao, bà kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương đến ngày 5/3 chưa phân bổ chi tiết hết vốn được giao cho chương trình, dự án; chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp dưới mức trung bình cả nước cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó có giải pháp cụ thể phấn đấu đạt bằng được mục tiêu đề ra.

Bà Mai Thị Thu Vân cũng nhận khuyết điểm, trách nhiệm trước Phó Thủ tướng khi Văn phòng Chính phủ là một trong 4 cơ quan chưa giải ngân và đã có thông tin cụ thể về tiến độ triển khai các dự án.

Nói về khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, nhóm các dự án khởi công mới của cơ quan này năm 2025 chiếm hơn 30% tổng vốn được phân bổ. Do đang sắp xếp tổ chức bộ máy nên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thông báo các đơn vị tạm dừng khởi công các dự án này, và vì thế chưa thể giải ngân; Đề nghị Chính phủ có chủ trương về việc thanh quyết toán cho các khoản chi phí đã phát sinh, nhất là chi phí tư vấn, lập dự án, triển khai các bước ban đầu của các dự án tạm dừng trên.

Nằm trong số các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cam kết sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy xong sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân số vốn còn lại.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, rất quan trọng, một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ cần tăng tốc, về đích phụ thuộc vào những nỗ lực trong năm nay. Việc Hoa Kỳ công bố áp thuế đối với Việt Nam ít nhiều có ảnh hưởng nhất định tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Chính phủ đã họp, có đánh giá tác động và đề ra các giải pháp. Trong điều kiện như vậy, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống để bù đắp cho những thiếu hụt do những vấn đề khách quan phát sinh.

Phó Thủ tướng ghi nhận các bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; khẳng định cam kết mạnh mẽ trong giải ngân, chỉ đạo quyết liệt, lập các tổ kiểm tra, đôn đốc, tập trung tháo gỡ các khó khăn, góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình, dự án theo yêu cầu, kế hoạch được giao.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung hơn nữa cho các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến cao tốc, tuyến đường ven biển. Những tuyến đường cao tốc vốn của Trung ương nhưng các địa phương cũng phải hết sức trách nhiệm, cùng tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư, bảo đảm các dự án được đẩy mạnh thi công và sớm hoàn thành. Đối với các dự án chậm tiến độ, nhu cầu không cấp bách, hay các dự án không có khả năng giải ngân tiếp, các bộ, cơ quan, địa phương cần kịp thời gửi báo cáo tới Bộ Tài chính để xem xét, có phương án xử lý, điều chuyển vốn cho các dự án giải ngân tốt hơn, hoặc cho các dự án thực sự cấp bách, cần thiết.

Nhấn mạnh nguồn lực cho các dự án có sẵn, vấn đề là phải chuẩn bị hồ sơ chặt chẽ, đầy đủ, gửi Bộ Tài chính thẩm định, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm trong thúc đẩy giải ngân, giải ngân nhanh, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, quy trình, không để phát sinh tiêu cực, lãng phí.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục