Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Xây dựng nông thôn mới cần có tư duy mới

18:00' - 27/07/2018
BNEWS "Để Chương trình xây dựng nông thôn mới thành công thì luôn luôn phải có sức sống mới, tư duy mới, cách làm mới, mô hình mới..., bên cạnh đó là tính năng động, sáng tạo của địa phương, của người dân".
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững diễn ra tại Điện Biên ngày 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Để Chương trình xây dựng nông thôn mới thành công thì luôn luôn phải có sức sống mới, tư duy mới, cách làm mới, mô hình mới..., bên cạnh đó là tính năng động, sáng tạo của địa phương, của người dân".

Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020” hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm nay.

Mục tiêu của Đề án là tại các xã thuộc phạm vi đề án, tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất từ 3-4% bình quân hàng năm (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020). Đến năm 2020, thu nhập của người dân tại các xã thuộc phạm vi Đề án tăng ít nhất 1,6 - 1,8 lần so với năm 2015.

Đề án sẽ hỗ trợ cho khoảng 3.513 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn đạt dưới 10 tiêu chí khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của 35 tỉnh; trong đó, có 564 thôn, bản, ấp thuộc 52 xã dưới 5 tiêu chí.

Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Văn Sơn cho biết, thực hiện Đề án 29 xã biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng vững chắc biên giới, đoàn kết, hữu nghị góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Tỷ lệ hộ nghèo các xã biên giới năm 2017 giảm còn 47% (giảm 7% so với năm 2015), bình quân mỗi năm giảm 3,5% hộ nghèo. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của các xã từng bước được nâng lên như về giao thông (tăng 5 xã đạt tiêu chí so với năm 2015), cơ sở vật chất văn hóa (tăng 8 xã đạt tiêu chí so với năm 2015), cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tăng 10 xã đạt tiêu chí so với 2015).

Đặc biệt, đối với các xã được lựa chọn hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2016, năm 2017, các huyện, các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn xã; huy động các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí; việc triển khai xây dựng nông thôn mới nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực từ người dân và cộng đồng.

Thanh Hoá là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện xây dựng thôn, bản nông thôn mới cách đây 5 năm và đã ban hành bộ tiêu chí riêng của tỉnh cho mô hình này.

Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá cho biết, bên cạnh việc xây dựng nông thôn mới cấp xã như toàn quốc đang triển khai, Thanh Hóa đã chủ trương xây dựng mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản ở các huyện miền núi, với phương châm "có nhiều thôn, bản nông thôn mới ắt sẽ có xã nông thôn mới".

Theo ông Năng, năm 2013, Thanh Hoá đã thực hiện thí điểm và năm 2014 thực hiện trên diện rộng, đồng thời tỉnh cũng ban hành Bộ tiêu chí và quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, gồm 14 tiêu chí: Việc làm, thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư và vườn hộ, giao thông, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, hệ thống chính trị, quốc phòng và an ninh.

Văn phòng điều phối đã cử cán bộ tỉnh, huyện trực tiếp xuống địa bàn “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với người dân theo hướng cầm tay chỉ việc.

Đến nay, với cách tiếp cận sáng tạo và phù hợp, xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, Thanh Hoá đã tạo được nền tảng, sự lan tỏa sâu rộng và đạt được những kết quả nổi trội cả về số lượng và chất lượng, không những giúp cho người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể và chủ động hơn trong công việc của mình, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước, mà còn tạo ra khí thế thi đua sôi nổi giữa các gia đình, dòng họ, giữa các thôn, bản với nhau.

Theo ông Trần Đức Năng, thông qua thực hiện, tư duy sản xuất hàng hóa của người dân được thay đổi, thu nhập của người dân từng bước được nâng lên, so với khi triển khai tăng 2,5-3 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm tương ứng 4-5 lần, điển hình có những thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người 45-50 triệu đồng/năm.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 1 huyện, 244 xã (42,6%) đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng khu vực miền núi của tỉnh đã có 38 xã và 392 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 20% tương ứng với 450 thôn, bản miền núi, trên 60% số xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bến Tre cũng như 23 tỉnh khác trong cả nước có các xã bãi ngang, ven biển nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Các chính sách, định hướng phát triển chung và bố trí nguồn lực đầu tư cho các xã bãi ngang, ven biển đã tạo động lực thúc đẩy các xã này phát triển khá toàn diện, góp phần cải thiện đời sống, thu nhập của người dân, nhất là qua thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới.

Theo Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bến Tre, xuất phát điểm tại các xã bãi ngang, ven biển rất thấp, bình quân mỗi xã chỉ đạt khoảng 3 tiêu chí, vì vậy, khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã này đã gặp rất nhiều thử thách, trở ngại, đặc biệt là về nguồn lực.

Ngoài ra, với đặc thù đất đai hạn hẹp, thổ nhưỡng thiếu màu mỡ, khó canh tác, nước sạch khan hiếm, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh thiếu thốn... đã dẫn đến xây dựng nông thôn mới tại các xã này càng thêm khó khăn.

Song, với tinh thần quyết tâm, các cấp trong tỉnh đã tập trung, dồn sức, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp để thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao mức sống và cải thiện thu nhập của người dân nơi đây.

Lũy kế đến nay, bình quân tiêu chí đạt được của 30 xã bãi ngang, ven biển là 9,03 tiêu chí, tăng gần 6 tiêu chí so với năm 2011; đồng thời, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể với bình quân khoảng 24 triệu đồng/năm, bằng 77% so với mức bình quân chung của cả tỉnh trong năm 2017.

Ngoài ra, còn nhiều địa phương khác cũng đã bắt đầu ban hành các tiêu chí về thôn, bản nông thôn mới và chủ động triển khai nhiều giải pháp quan trọng về tín dụng để khơi dậy nguồn lực đầu tư hạ tầng, sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện dân cư, địa hình của vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đánh giá cao cách làm sáng tạo và kinh nghiệm hay của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu từ nay tới năm 2020, xây dựng thôn, bản, ấp nông thôn mới sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Với bộ tiêu chí xã nông thôn mới nói chung, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và người dân không thể thu xếp đủ nguồn lực để nhanh chóng xây dựng các xã ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoàn thành 19 tiêu chí vì dân cư phân tán, địa hình trải dài, chia cắt.

Tuy nhiên, cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới như nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, Chương trình mỗi xã một sản phẩm và đã thành công ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Nam Định... góp phần thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn ở các tỉnh này.

Trong quá trình hỗ trợ các thôn, bản, ấp xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư; để cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn các công trình, nội dung thực hiện thiết thực, phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân gắn với các chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật, mỗi xã một sản phẩm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, không chỉ có 35 địa phương trong phạm vi Đề án thực hiện mà các địa phương khác có địa bàn khó khăn dưới 10 tiêu chí cũng cần chủ động rà soát, thực hiện theo phương châm khơi dậy tính chủ động của người dân, cộng đồng ở thôn, bản, ấp.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng hoàn thiện Đề án, Văn phòng điều phối nông thôn mới các địa phương tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành ngay trong năm nay kế hoạch triển khai Đề án để đạt các mục tiêu chung vào năm 2020./.

>>> Cả nước có 3.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới

>>> Đề án xây dựng nông thôn mới các xã CT229 tại tỉnh Bắc Kạn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục