Phối hợp toàn cầu chống đại dịch COVID-19
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chính thức tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do virus SARS-CoV-2 gây ra là đại dịch toàn cầu.
Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các nước trên thế giới cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus.
Việc WHO ngày 11/3 công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu sau hơn 2 tháng kể từ căn bệnh ban đầu được gọi là viêm phổi lạ này bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, phản ánh rằng khả năng lây lan virus trên diện rộng về mặt địa lý khiến WHO lo ngại.
Trên thực tế, khi người đứng đầu WHO Ghebreyesus tuyên bố COVID-19 là một đại dịch, thế giới đã ghi nhận hơn 118.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và khoảng 4.500 ca tử vong tại ít nhất 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục (chỉ trừ châu Nam cực).
Ngay trong bài phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về cả mức độ lây lan và tính chất nghiêm trọng đáng báo động của dịch COVID-19, cũng như tình trạng phản ứng chậm trễ tại nhiều nơi.
Trong 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng tăng gấp 3 lần.
Ông nhận định số ca mắc bệnh và số ca tử vong cũng như số quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những ngày tới và tuần tới nếu không có những hành động quyết liệt.
Nhìn lại lịch sử, kể từ khi được thành lập năm 1948, WHO, tổ chức đóng vai trò điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế, đã nhiều lần công bố đại dịch trên toàn cầu, mà lần gần đây nhất là đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009.
Nhìn chung, các đại dịch này đều có đặc điểm là các bệnh mới, con người chưa có khả năng miễn dịch và mức độ lây lan rộng.
Việc WHO tuyên bố đại dịch không dựa trên bất kỳ một ngưỡng nhất định về số lượng người tử vong hay nhiễm bệnh, hay số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng.
Đây là lý do vì sao dù lây nhiễm cho khoảng 8.000 người ở ít nhất 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tỷ lệ tử vong là 10%, nhưng WHO không tuyên bố hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) giai đoạn 2002-2003, do một chủng virus corona cùng họ với virus SARS-CoV-2 hiện nay gây ra, vì nó đã nhanh chóng được khống chế và chủ yếu xảy ra tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Canada.
Tương tự, với tỷ lệ tử vong lên tới khoảng 35% và vẫn chưa hoàn toàn bị loại bỏ, song hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS), cũng do chủng virus corona gây ra, không được công bố đại dịch do tốc độ lây lan không quá nhanh.
Trong khi đó, bệnh cúm A/H1N1 lại được WHO công bố là một đại dịch vì có tới 1/5 người dân toàn thế giới mắc bệnh, cho dù căn bệnh này không gây nguy hiểm chết người lớn khi tỷ lệ tử vong chỉ là 0,02%.
Thời điểm tháng 6/2009, khi WHO công bố đại dịch, cúm A H1N1, vốn lần đầu tiên được phát hiện trước đó 3 tháng ở Mexico, đã xuất hiện tại 74 nước trên thế giới và lây lan mạnh tại một số nước ngoài châu Mỹ, đặc biệt đã lây lan ở mức cộng đồng tại bang Victoria của Australia.
Đối với căn bệnh COVID-19 lần này, WHO cũng đã cân nhắc khá thận trọng trước khi tuyên bố đại dịch, bởi đã có những tranh cãi về việc tuyên bố đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009 gây ra tình trạng hoảng loạn không cần thiết, khiến các cơ sở cấp cứu quá tải và khiến nhiều nước phải bội chi để mua thuốc kháng virus.
WHO nhấn mạnh mục đích chính của việc công bố đại dịch là nhằm nâng cao ý thức, chứ không phải để dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên toàn cầu.
Nói như Tổng Giám đốc Ghebreyesus: “Đại dịch không phải từ để sử dụng dễ dàng hoặc bất cẩn.
Đó là một từ mà nếu sử dụng sai có thể gây ra nỗi sợ hãi vô lý, hoặc sự chấp nhận một cách phi lý rằng cuộc đấu tranh đã kết thúc, dẫn đến sự chịu đựng và những cái chết vô lý".
Theo ông, việc tuyên bố COVID-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO đối với mối đe dọa của virus SARS-CoV-2, không làm thay đổi những gì tổ chức đang làm và điều các quốc gia cần phải hành động.
Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng chỉ ra thực trạng một số quốc gia đang chật vật đối phó với dịch bệnh vì thiếu khả năng, hay nguồn lực và thậm chí là quyết tâm.
Do đó, trước một cuộc khủng hoảng không chỉ đơn thuần về sức khỏe cộng đồng, mà còn tác động tới mọi lĩnh vực, các nước cần gạt bỏ sự khác biệt và đối mặt với COVID-19 như một “kẻ thù chung” và đây chính là thời điểm các nước cần hợp lực không chỉ để bảo vệ mình mà còn cả nhân loại.
Cùng chung nhận định trên, Tiến sĩ Nathalie MacDermott, giảng viên y khoa thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Quốc gia thuộc trường King’s College London (Anh) cho rằng: “Sự thay đổi về thuật ngữ không làm xáo trộn bất kỳ điều gì...
Tuy nhiên, sự thay đổi về thuật ngữ này nêu bật tầm quan trọng của các quốc gia trên thế giới trong việc phối hợp một cách cởi mở với nước khác và tạo ra một mặt trận thống nhất trong nỗ lực kiểm soát tình hình hiện nay”.
Ngay sau khi WHO công bố COVID-19 là đại dịch, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã kêu gọi các chính phủ trên thế giới khẩn cấp tăng cường ứng phó chống dịch COVID-19.
Lịch sử cho thấy ở giai đoạn dịch bệnh, các nước có thể chọn cách "khoanh tay đứng nhìn", đóng cửa biên giới với vùng dịch hay gửi hỗ trợ, và triển khai các phương án dự phòng tình huống dịch lan tới nước mình.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh trở thành đại dịch, các nước sẽ cần hành động khẩn cấp và quyết liệt hơn, như chuẩn bị cho các bệnh viện tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân, khuyến khích người dân thay đổi hành vi, tránh gặp gỡ, tụ tập đông người, nâng cao tinh thần tự cách ly....
Bên cạnh đó, các nước có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau để chống dịch.
Trung Quốc, quốc gia tới thời điểm này đã kiểm soát tốt dịch bệnh với những biện pháp hiệu quả và quyết liệt, tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Italy, quốc gia đang trở thành tâm dịch ở châu Âu.
Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế và chuyên gia y tế đánh giá cao về các biện pháp mạnh mẽ, triệt để, toàn diện, chủ động để chặn sự lây lan virus trong cộng đồng, bao gồm cả minh bạch thông tin, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phòng chống dịch, và như Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra khẳng định, Liên hợp quốc đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.
Trước đó, WHO đã ghi nhận hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam với quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả, công khai, minh bạch.
Theo Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park, cộng đồng quốc tế mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom cũng đề cao việc Việt Nam đã tiến hành ngay từ sớm nhiều biện pháp hiệu quả, đặc biệt là các cam kết chính trị của lãnh đạo cấp cao và sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và các địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Việc các nước trên thế giới đã bắt đầu triển khai hàng loạt giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ nhằm kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của virus, cũng như có sự phối hợp hành động cụ thể, cởi mở và tạo ra một mặt trận thống nhất, khiến dư luận lạc quan về khả năng cộng đồng quốc tế có thể sớm khống chế thành công đại dịch COVID-19./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
WHO: Dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu
06:58' - 12/03/2020
Ngày 11/3, WHO đã chính thức coi đợt bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu.
-
Kinh tế Thế giới
Dịch COVID-19: WHO nhấn mạnh nỗ lực chống dịch của tất cả các nước
08:28' - 10/03/2020
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh những nỗ lực đồng bộ của tất cả các nước trên thế giới trong việc đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVD-19.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Anh tiếp tục đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ
10:43'
Chính phủ Anh sẽ “bình tĩnh và điềm tĩnh” tiếp tục đàm phán với Mỹ về thỏa thuận thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump tạm dừng áp thuế trong 90 ngày đối với hơn 75 đối tác thương mại.
-
Kinh tế Thế giới
Nhìn lại "thương chiến" Mỹ - Trung 2018
10:36'
Thương chiến Mỹ - Trung 2018 khởi đầu vào ngày vào ngày 22/3/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ đô la Mỹ cho hàng hóa Trung Quốc
-
Kinh tế Thế giới
Ai Cập sẽ thoái vốn nhà nước để thúc đẩy khu vực tư nhân
10:21'
Theo Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly, nước này sẽ chào bán cổ phần tại một số công ty do quân đội sở hữu trên sàn giao dịch chứng khoán, để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào nền kinh tế.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ vẫn kỳ vọng ByteDance bán Tiktok cho công ty không thuộc Trung Quốc
09:50'
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết thương vụ tiềm năng mua TikTok tại Mỹ vẫn đang được đàm phán và ông kỳ vọng ByteDance sẽ bán Tiktok cho công ty không thuộc Trung Quốc.
-
Kinh tế Thế giới
Kinh tế Hàn Quốc vẫn bị ảnh hưởng dù Mỹ hoãn thuế đối ứng
09:22'
Nền kinh tế Hàn Quốc vẫn sẽ chịu những tác động nhất định dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với các đối tác đang tìm cách đàm phán với Washington.
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ: Dư luận tại Mỹ về quyết định hoãn thuế của Tổng thống D. Trump
08:21'
Dư luận bên trong nước Mỹ đã có những phản ứng tích cực sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 đối tác thương mại không trả đũa Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ: Canada và Hàn Quốc đánh giá cao việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng
08:01'
Thủ tướng Canada Mark Carney và đặc phái viên thương mại của Hàn Quốc đã bày tỏ hoan nghênh quyết định hoãn áp thuế của Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh cải tổ ngành năng lượng
07:52'
Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy sản xuất năng lượng thông qua việc yêu cầu nhiều cơ quan liên quan tự động cắt giảm "các quy định lỗi thời".
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump bảo vệ quyết định hoãn áp thuế
07:27'
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại không trả đũa Mỹ.