Phòng chống cháy nổ tại các chung cư cao tầng ở Hà Nội - Bài 3: Sự an toàn của người dân

14:04' - 04/04/2018
BNEWS Trước tình trạng "giặc lửa" tấn công các chung cư cao tầng, để bảo vệ tính mạng của người dân, toàn hệ thống chính quyền thành phố Hà Nội cũng đang có nhiều biện pháp mạnh nhằm siết chặt.
Một chung cư trong ngõ nhỏ tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Trước tình trạng báo động đỏ về "giặc lửa" tấn công các chung cư gần đây khiến nhà cháy, tài sản tiêu tan, sự hoang mang, bất an ngày càng gia tăng, yêu cầu đặt ra là cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý vi phạm, đặt sự an toàn của cư dân lên trên hết.

Để bảo vệ tính mạng của người dân, Hà Nội đang có nhiều biện pháp mạnh nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước cũng như xử lý vi phạm. Đối với những tồn tại ở 15 công trình chung cư cao tầng bị "điểm mặt, chỉ tên", thành phố đưa ra các giải pháp, biện pháp bổ sung, thay thế đề nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng thẩm duyệt, thẩm định.

Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội, năm 2017 và quý I/2018 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ. Trong đó quý I/2018 xảy ra 280 vụ. Riêng cháy nhà cao tầng xảy ra 87 vụ. Những vụ cháy nêu trên đã khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng. Tính đến ngày 2/4, địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại 29 công trình vi phạm, trong đó 15 công trình khó có khả năng khắc phục.

Cơ quan này cũng nhận định, tình hình cháy, nổ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, tình hình cháy xảy ra ở các nhà chung cư, công trình cao tầng có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn bởi những công trình xây dựng trước năm 2000 hiện đã xuống cấp, việc bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quy định.

Trước thực trạng này, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội sẽ rà soát kiểm tra toàn bộ các công trình nhà cao tầng. Hà Nội hiện có trên 1.100 công trình, tòa nhà chung cư cao tầng, trong đó có hơn 120 công trình nhà tái định cư.

Đối với các công trình mới, đang thi công hiện nếu vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy chữa cháy sẽ đề xuất, phối hợp với các quận huyện kiên quyết không cho thi công. Với các công trình có vi phạm nhưng đã có người ở thì một mặt xử lý kiên quyết, mặt khác yêu cầu chủ đầu tư phải tăng cường hơn nhân lực trong thời điểm chưa khắc phục được các tồn tại về phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Trước mắt, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội đang tập trung tổ chức kiểm tra, giải quyết những tồn đọng, yếu kém của những tòa nhà cao tầng đã được công khai trước cơ quan báo chí, nhất là 31 công trình còn tồn tại vi phạm, quy định.

Đối với 3 công trình chây ì, không thực hiện khắc phục gồm: Chung cư CT4 Văn Khê (tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà là chủ đầu tư; chung cư CT5 A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê) của Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội đã tập trung thu thập tài liệu hồ sơ, chuyển Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội thụ lý.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội cho hay: Đơn vị đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, có văn bản gửi cho chủ đầu tư 15 công trình khó có khả năng khắc phục tồn để báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng xin giải pháp, biện pháp bổ sung thay thế cho từng công trình.

Tuy nhiên tính đến ngày 2/4, có 1 công trình trong số này là Tòa nhà Capital Garden tại ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa do Công ty TNHH Khách sạn làm chủ đầu tư đã được Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp văn bản thẩm duyệt luận chứng.

Có 3 công trình thì chủ đầu tư báo cáo, sẽ khắc phục các nội dung tồn tại đảm bảo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, không cần xin luận chứng, giải pháp, biện pháp thay thế, bổ sung. Có 1 công trình còn lại thì chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn, đang lập hồ sơ, luận chứng gửi Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Bộ Xây dựng. Nhưng 10 công trình còn lại thì chủ đầu tư vẫn chưa triển khai thực hiện.

Trước tình trạng "giặc lửa" tấn công các chung cư cao tầng, để bảo vệ tính mạng của người dân, toàn hệ thống chính quyền thành phố Hà Nội cũng đang có nhiều biện pháp mạnh nhằm siết chặt công tác quản lý về mặt nhà nước cũng như xử lý vi phạm.

Ngày 3/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Với những tồn tại, vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư cao tầng trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, trong số 29 chung cư chưa hoàn thành khắc phục phòng cháy, chữa cháy phải tiếp tục xử lý xong những tồn tại trước ngày 30/4 đối với 14 công trình có thể khắc phục được.

Sau thời gian này, lực lượng Công an, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố chuyển danh sách một số chủ đầu tư chây ì để UBND thành phố xem xét đề nghị khởi tố điều tra, xử lý đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, yêu cầu Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố xây dựng công văn gửi Bộ Công an, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ về vấn đề ngoài các tiêu chuẩn quy chuẩn, tất cả các công trình cao tầng tại thành phố phải làm cầu thang sắt ngoài trời để bảo đảm cho người dân thoát nạn.

"Quá trình kiểm tra các chung cư cao tầng sẽ bắt quả tang, xử lý tại chỗ. Thiếu cái gì, Chủ tịch xã, phường, quận, huyện chịu trách nhiệm; ban quản trị, chủ đầu tư, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an phường, xã chịu trách nhiệm. Chúng ta cần phải có biện pháp mạnh để hành động!", ông Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh./.

>>> Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy ở chung cư cao tầng

>>> Giải pháp nào đảm bảo an toàn khi cháy nổ ở chung cư?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục