Phòng chống rét cho rau màu vụ Đông Xuân

11:11' - 22/01/2019
BNEWS Xã Tân Liên, huyện Cao Lộc là địa phương có nhiều diện tích trồng rau màu với trên 16 ha, chủ yếu là su hào, cải ngồng, bắp cải, cải làn…
Phòng chống rét cho rau màu vụ Đông Xuân. Ảnh minh họa: Tá Chuyên - TTXVN

Thời gian cuối năm 2018, đầu năm 2019, toàn tỉnh Lạng Sơn luôn duy trì nền nhiệt độ thấp dưới 15 độ C kèm theo mưa phùn, điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân; trong đó, có việc chăm sóc rau màu vụ Đông Xuân.

Để hạn chế thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng.

Xã Tân Liên, huyện Cao Lộc là địa phương có nhiều diện tích trồng rau màu với trên 16 ha, chủ yếu là su hào, cải ngồng, bắp cải, cải làn…

Ngay từ đầu vụ, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tập trung sản xuất rau màu; chăm sóc đúng quy trình và áp dụng sản xuất rau an toàn. Khi thời điểm nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, nhiều hộ nông dân đã tiến hành tưới nước đủ ẩm, phủ gốc bằng trấu, mùn cưa để tăng khả năng chống rét cho cây.

Nông dân Hoàng Thị Kim, thôn Nà Pinh, xã Tân Liên, Cao Lộc, Lạng Sơn cho biết, từ tháng 9, tháng 10 lịch âm, gia đình đã bắt đầu tiến hành trồng rau như, su hào, cà rốt, cải ngồng… để cho kịp vụ.

Cán bộ nông nghiệp của xã, huyện hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh, phòng chống rét cho rau màu; cách căng, phủ nilong khi có sương muối… đã giúp gia đình và nhiều nông dân ở thôn chủ động hơn. Các loại cây rau màu của gia đình đến nay đều phát triển tốt, đảm bảo cung ứng cho thị trường đúng dịp tết Nguyên đán.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Hanh cho biết, vụ Đông năm 2018, toàn huyện Cao Lộc gieo trồng trên 330 ha rau màu các loại. Chủ động phòng chống rét cho rau màu địa bàn, đơn vị đã phân công cán bộ theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời phối hợp với các địa phương.

Trong số đó, tuyên truyền đến nông dân khi có sương muối cần che bằng nilong với rau ăn lá và phun nước lên mặt lá với rau ăn củ; với các loại rau ăn quả như cà chua, bí đỏ… khi thời tiết dưới 15 độ C cần tỉa thưa cành, nhánh hợp lý, tiến hành thụ phấn nhân tạo, thụ phấn bổ sung.

Ngoài ra, đơn vị tích cực tuyên truyền cho nông dân tăng cường nạo vét kênh mương, đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất, qua đó tăng năng suất, chất lượng rau màu.

Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn, vụ Đông Xuân 2018 – 2019, ước tính toàn tỉnh gieo trồng trên 51.000 ha với các loại cây lương thực, rau màu; trong đó, cây thực phẩm là 8.250 ha và dưa các loại là 1.025 ha…; tổng sản lượng lương thực toàn vụ ước tính khoảng gần 162.000 tấn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng cho biết, để giảm bớt những thiệt hại về cây trồng do thời tiết gây ra trong sản xuất vụ Đông xuân, sở đã có những văn bản về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng gửi tới các địa phương.

Các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp trên địa bàn cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương, đặc biệt là những xã có diện tích trồng rau màu lớn, thực hiện hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng chống rét đối với cây trồng nông, lâm nghiệp, cũng như theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh, qua đó chủ động phòng trừ có hiệu quả.

Ngành nông nghiệp Lạng Sơn khuyến cáo, nông dân nên chủ động theo dõi tình hình thời tiết, không tiến hành gieo trồng các loại rau màu khi nhiệt độ thấp hơn 12 độ C.

Bón phân cho rau, màu cân đối, bón nhiều kali trong các đợt rét đậm để giúp cây hút được nước, dinh dưỡng tăng khả năng chống rét, khi xuất hiện sương muối, cần tiến hành phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua, đồng thời dùng lưới đen, nilon trắng che đậy giống cây trồng để tránh rét và giảm thiểu hiện tượng táp lá cây trồng. Cùng với đó, khẩn trương thu hoạch ngay đối với những diện tích cây trồng đã đến kỳ thu hoạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục