Phòng vệ thương mại: Công cụ bảo an giúp doanh nghiệp

10:14' - 31/05/2021
BNEWS Các biện pháp phòng vệ thương mại như gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đang trở thành những công cụ bảo vệ và hỗ trợ cho doanh nghiệp rất đáng chú ý vào thời điểm này.
 

Việt Nam đang mở cửa mạnh mẽ cho hàng hóa từ 51 quốc gia đối tác của 14 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia với tư cách là thành viên chính thức. Điều này khiến Việt Nam trở thành thị trường sôi động và hấp dẫn trong mắt các nhà xuất khẩu nước ngoài.

Cùng với đó, xu hướng bảo hộ thương mại ở nhiều thị trường lớn trên thế giới cũng đang khiến luồng hàng hóa xuất khẩu chuyển hướng tới những nền kinh tế mới có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn như Việt Nam. Điều này vừa là lợi thế nhưng cũng gây áp lực cho hàng hóa Việt Nam và đòi hỏi những công cụ để phòng vệ thương mại đảm bảo an toàn cho ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhận định, nguy cơ hàng nước ngoài nhập khẩu ồ ạt hoặc cạnh tranh không lành mạnh vào Việt Nam có thể gây thiệt hại nghiêm trọng và tác động tiêu cực tới các ngành sản xuất nội địa. Vì vậy, các biện pháp gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đang trở thành những công cụ phòng vệ thương mại rất đáng chú ý vào thời điểm này.

Qua thực tiễn thương mại quốc tế, ngày càng nhiều quốc gia đã sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và chính hàng hóa xuất khẩu từ các nước đối tác FTA của Việt Nam cũng đang là đối tượng của ngày càng nhiều các vụ điều tra phòng vệ thương mại ở một số nước trên thế giới.

Đánh giá thực trạng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam đang từng bước sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại thường xuyên hơn như một phương thức hỗ trợ doanh nghiệp nội địa để ứng phó với tình hình cạnh tranh ngày càng tăng cao.

Tính cuối năm 2020, Việt Nam đã tiến hành tổng cộng 13 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ điều tra chống trợ cấp và 6 vụ điều tra tự vệ. Các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng đã phần nào bảo vệ lợi ích cho một số ngành sản xuất trong nước với giá trị đóng góp lên tới 6% tổng sản phẩm quốc nội so với năm 2019 và giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Các biện pháp này còn giúp làm giảm bớt rủi ro hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và giữ gìn uy tín, thương hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cùng với các cam kết quốc tế, pháp luật Việt Nam về phòng vệ thương mại đã được thực thi trên thực tế và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã bước đầu xây dựng được năng lực ngày càng tốt hơn, đa nhiệm và hoạt động hiệu quả hơn, bảo vệ được một số ngành sản xuất trong nước trước nguy cơ cạnh tranh và áp lực của thị trường.

Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại chưa thực sự hoàn thiện, năng lực của các cơ quan thừa hành chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn lại thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước nên hiệu quả sử dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại chưa góp phần đáng kể hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là chưa kể, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa cao trong vấn đề này. Dẫn tới hậu quả, Việt Nam đã trở thành đối tượng bị điều tra của hơn 100 vụ việc liên quan tới chống bán phá và gần 100 vụ việc chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh của khá nhiều quốc gia trên toàn cầu. 

Trước thực tế ấy, ông Vũ Tuấn Nghĩa, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc sử dụng các công vụ phòng vệ thương mại không dễ dàng. Để có thể giữ được "hàng rào" các biện pháp phòng vệ thương mại an toàn cho doanh nghiệp Việt Nam, các ngành sản xuất nội địa phải tập hợp được lực lượng đủ lớn; phải chứng minh được hành vi bán phá giá, trợ cấp hoặc nhập khẩu ồ ạt của hàng hóa nước ngoài. Đồng thời, phải chứng minh được thiệt hại cụ thể của mình trước cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, doanh nghiệp không chỉ cần hiểu biết về quy trình, các điều kiện mà còn phải đầu tư nguồn lực để theo đuổi vụ việc.

Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng cần phối hợp đầy đủ, chặt chẽ với các cơ quan điều tra để cung cấp các bằng chứng cần thiết khi phát sinh sự vụ; đồng thời, lưu ý kỹ vấn đề sản phẩm bị điều tra để cung cấp thông tin chính xác. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu liên quan vụ việc, cần trả lời đầy đủ các câu hỏi điều tra, lưu ý các vấn đề về sản phẩm như mã HS hay mô tả..., lưu ý mức thuế có thể thay đổi qua các kỳ rà soát, thủ tục hải quan và giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ..., ông Nghĩa khuyến nghị.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Thu Trang cho rằng, các ngành sản xuất Việt Nam được khuyến nghị chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại khi cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình trước hiện tượng hàng hóa nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp để xuất khẩu vào Việt Nam, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và hàng hóa của mình.

Ngay cả, hàng nhập khẩu cạnh tranh lành mạnh, nếu có thể chứng minh được hàng nước ngoài đó được nhập khẩu ồ ạt, gây thiệt hại nghiêm trọng thì ngành sản xuất nội địa cũng có thể sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục