Phụ nữ nên chụp X-quang tuyến vú tầm soát ung thư từ năm 40 tuổi

07:30' - 26/05/2023
BNEWS Giới chuyên gia Mỹ khuyến nghị, phụ nhữ nên bắt đầu chụp X-quang tuyến vú để tầm soát ung thư vú từ năm 40 tuổi thay vì 50 tuổi như trước đây.

Khuyến nghị trên được Lực lượng đặc nhiệm phòng ngừa bệnh tật Mỹ (USPSTF), gồm một nhóm chuyên gia độc lập do Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh của Mỹ chỉ định, đưa ra ngày 9/5.

Phương pháp chụp X-quang tuyến vú dùng một lượng tia X rất nhỏ để ghi hình ảnh chi tiết cấu trúc tuyến vú, giúp phát hiện những bất thường mà các thăm khám thông thường không phát hiện được.

 

Số liệu thống kê chính thức cho thấy ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến thứ hai và cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư phổ biến thứ hai đối với phụ nữ ở Mỹ.

Tính đến nay, ung thư vú đã cướp đi sinh mạng của khoảng 42.000 phụ nữ và 500 nam giới tại Mỹ, trong đó phụ nữ da màu có nguy cơ tử vong cao hơn tới 40% so với phụ nữ da trắng.

Theo USPSTF, trước đây họ khuyến nghị phụ nữ ở độ tuổi 40 tự lựa chọn thời điểm bắt đầu tầm soát ung thư vú, nhưng khuyến nghị mới có thể giúp nâng tỷ lệ sống sót thêm 19%.             

USPSTF nêu rõ các nghiên cứu khoa học mới và toàn diện hơn về căn bệnh ung thư vú ở những người dưới 50 tuổi giúp các chuyên gia điều chỉnh khuyến nghị trước đây, theo đó, khuyến khích tất cả phụ nữ chụp X-quang tuyến vú 2 năm một lần, bắt đầu từ 40 tuổi. Dựa trên bằng chứng, khuyến nghị này được xếp loại "mức B" - mức cao thứ hai.

Hiện khuyến nghị mới chỉ là dự thảo, theo đó USPSTF đăng các dẫn chứng trên website để công chúng có thời gian xem xét. Bảo hiểm y tế Mỹ được yêu cầu chi trả cho mọi dịch vụ mà UPSTF khuyến nghị, bất kể chi phí là bao nhiêu.

Dự thảo khuyến nghị áp dụng đối với những phụ nữ có "nguy cơ trung bình" mắc bệnh ung thư vú, trong đó có những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc các yếu tố nguy cơ khác.

Tuy nhiên, khuyến nghị không áp dụng đối với những người có tiền sử ung thư vú hoặc những trường hợp có một số dấu hiệu di truyền khiến họ có nguy cơ mắc bệnh cao, đã được xạ trị liều cao từ khi còn trẻ hoặc có tổn thương nguy cơ cao khi sinh thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục