PNJ tăng trưởng từ kênh bán lẻ

10:30' - 21/12/2020
BNEWS Kết quả kinh doanh mới nhất được PNJ cập nhật cho thấy, doanh thu tháng 10/2020 của PNJ tăng 6,5% so với cùng kỳ lên 1.827 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ từ doanh thu kênh bán lẻ.

Dù dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng kết quả kinh doanh của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) vẫn ghi nhận kết quả khá tích cực; trong đó đặc biệt là có sự tăng trưởng từ kênh bán lẻ giúp bù đắp cho sự sụt giảm của kênh bán buôn và vàng miếng.

Phục hồi mạnh sau COVID-19

Kết quả kinh doanh mới nhất được PNJ cập nhật cho thấy, doanh thu tháng 10/2020 của PNJ tăng 6,5% so với cùng kỳ lên 1.827 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ từ doanh thu kênh bán lẻ. Điều này đã khẳng định PNJ đã có sự phục hồi tốt sau dịch.

Doanh thu kênh lẻ tháng 10 tăng 17,5% đã bù đắp sự sụt giảm của kênh bán buôn và kênh vàng miếng. 

Sự tăng trưởng của kênh bán lẻ PNJ trong tháng 10 là nhờ vào thời điểm mùa cưới, các chiến dịch khuyến mãi như giảm giá Black Friday, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và sự ra mắt của concept mới – STYLE by PNJ - hướng đến thế hệ trẻ với các sản phẩm đa dạng như trang sức vàng, bạc, đồng hồ... đi kèm với mức giá hợp lý. 

Lợi nhuận ròng tháng 10 của PNJ đạt 175 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Trước đó, mặc dù PNJ phải tạm dừng hoạt động kinh doanh tất cả các cửa hàng ở Đà Nẵng trong tháng 8/2020, nhưng PNJ đã tăng tốc mạnh mẽ trong tháng 9 với mức tăng trưởng doanh thu kênh lẻ đạt 18,2%. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu kênh lẻ tăng trưởng 4,2% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của PNJ đạt 11.668 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 642 tỷ đồng, lần lượt đạt 80,6% và 77% kế hoạch năm 2020. Kết quả kinh doanh tháng 8/2020, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.238 tỷ đồng (-8,1% ) và lợi nhuận sau thuế đạt 52 tỷ đồng (-12% ).

Dịch COVID -19 bùng phát tại Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 7 kéo sang đầu tháng 8 đã khiến doanh thu tháng 8 của PNJ ảnh hưởng 1 phần do các cửa hàng tại các địa phương bị giãn cách và sức mua chung của thị trường chậm lại trong 2 tuần đầu tháng 8.

Các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng kết quả kinh doanh giữa bối cảnh thị trường trang sức vàng chịu ảnh hưởng từ COVID-19 là minh chứng rõ nét nhất cho những điểm nhấn nội tại của PNJ với chất lượng thương hiệu của nhà bán lẻ trang sức với hệ thống cửa hàng hàng đầu và năng lực sản xuất cũng như năng lực phân tích và dự báo thị hiếu khách hàng trong suốt quá trình phát triển và tiếp tục cải thiện với các giải pháp số hóa.

"Với năng lực nội tại đang có, PNJ được định vị là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất với việc tiêu thụ trang sức tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng cùng với xu hướng tăng trưởng mức thu nhập khả dụng bình quân.

Cùng với đó là xu hướng chuyển dịch sức mua từ các cửa hàng nhỏ lẻ sang các nhà bán lẻ có thương hiệu và chất lượng đồng nhất và triển vọng gia tăng thị phần từ chính một số chuỗi bán lẻ có thương hiệu không thể chống chọi với khó khăn phần nào do tác động của COVID-19", nhóm nghiên cứu của BVSC nhận định.

Giá vàng giảm có thể có lợi cho việc trữ hàng tồn kho

Giá vàng tăng hơn 29,2% từ tháng 1/2020 đến tháng 8/2020, tạo áp lực lớn lên giá vốn hàng bán của PNJ trong dài hạn khi muốn bổ sung hàng tồn kho của mình.

Tuy nhiên, nguồn tin tích cực về vắc-xin COVID-19 đã khiến giá vàng giảm 7% từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2020, từ đó giảm áp lực lên giá vốn hàng bán của PNJ khi hàng tồn kho của PNJ có thể được bổ sung với chi phí thấp hơn.

Theo các chuyên gia, nhu cầu về vàng miếng sẽ tăng chậm hơn vào năm 2021 và giảm vào năm 2022 do sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu khi vắc-xin COVID-19 sắp ra mắt vào đầu năm 2021.

Nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng doanh thu mảng vàng miếng của PNJ trong năm 2021 sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2020, sau đó sẽ giảm vào năm 2022.

Cũng theo các chuyên gia của VNDIRECT, doanh thu mảng bán buôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch vào năm 2020 nhưng sẽ phục hồi vào năm 2021-2022 với việc doanh thu mảng bán buôn đã tạo đáy vào năm 2020 và nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi sau khi vắc-xin được phân phối rộng rãi.

Doanh thu mảng bán lẻ trang sức duy trì xu hướng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2022. 

Kết quả kinh doanh quý II/2020 và quý III/2020 của PNJ vượt trội so với thị trường khi doanh thu mảng trang sức của PNJ chỉ giảm 12,3% và 6,6% so với cùng kỳ.

Trong khi theo dữ liệu của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu trang sức của Việt Nam giảm 65% trong quý II/2020 và 50% trong quý III/2020.

Thị phần trang sức của PNJ đã tăng mạnh từ khoảng 23,2% trong quý I/2020 lên 34,7% trong quý II/2020 và 35,8% trong quý III/2020. Với sự mở rộng thị phần mạnh mẽ trong giai đoạn này, mảng bán lẻ của PNJ có thể tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021- 2022 khi thị trường trang sức Việt Nam phục hồi. Nhóm nghiên cứu VNDIRECT kỳ vọng doanh thu của kênh bán lẻ của PNJ sẽ tăng lần lượt 10,1% và 9,5% trong năm 2021 và 2022.

Nhóm nghiên cứu VNDIRECT cũng kỳ vọng lợi nhuận ròng của PNJ các năm 2020/2021/2022 tương ứng là 11,2%; 0,5%; 2,6%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục