PVN tiết giảm chi phí đạt 8.745 tỷ đồng

21:56' - 04/12/2020
BNEWS Trong 11 tháng của năm 2020, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thực hiện quyết liệt tiết giảm chi phí với tổng giá trị lên tới 8.745 tỷ đồng, bằng 93,9% kế hoạch năm.

Đây là thông tin được đưa ra tại giao ban trực tuyến sản xuất kinh doanh của PVN ngày 4/12.

Theo PVN, trong tổng số tiền tiết giảm này, giá trị tiết giảm các loại chi phí cấu thành giá thành sản xuất kinh doanh đạt 3.776 tỷ đồng, vượt 13% so với mục tiêu tiết giảm cả năm 2020; giá trị tiết giảm, tối ưu trong công tác đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị đạt 4.969 tỷ đồng, bằng 83,2% so với mục tiêu cả năm là 5.971 tỷ đồng.

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, 11 tháng qua, PVN đã hoạt động trong điều kiện đầy khó khan thách thức khi ngành dầu khí toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ “khủng hoảng kép” do dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu trog thời gian dài.

Bình quân 11 tháng của năm 2020, giá dầu chỉ đạt 43,8 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với mức giá kế hoạch là 60 USD/thùng.

Trong bối cảnh đó, với việc sớm triển khai đồng bộ các gói giải pháp ứng phó trong toàn Tập đoàn, PVN tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tích cực.

Tính chung 11 tháng qua, các chỉ tiêu về sản lượng khai thác dầu thô, sản xuất đạm, xăng dầu cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Doanh thu lũy kế toàn Tập đoàn 11 tháng ước đạt 508.900 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 63.700 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong tháng 11/2020, Tập đoàn có 17 đơn vị thành viên đạt kết quả sản xuất kinh doanh có lãi và tính đến hết tháng 11/2020, đã có 10 đơn vị trong Tập đoàn không chỉ về đích sớm mà còn vượt chỉ tiêu lợi nhuận từ 105% đến 935% kế hoạch cả năm.

Theo Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng, năm 2021 được dự báo vẫn rất khó khăn đối với thị trường dầu khí thế giới. Để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, PVN tiếp tục chú trọng việc dự báo thị trường, để đưa ra các kịch bản ứng phó và có phương hướng quản trị phù hợp.

Bên cạnh đó, PVN tập trung phân tích kỹ việc đầu tư và quản trị danh mục đầu tư; tập trung triển khai ngay nhiệm vụ trong Đề án về ứng phó với chuyển dịch năng lượng.

Đặc biệt, PVN tập trung kiểm soát liên kết ngang giữa các đơn vị để hình thành chuỗi liên kết vững chắc trong toàn Tập đoàn, nhằm phát nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, PVN xem xét tái phân bổ nguồn lực phù hợp nhằm phát huy giá trị sử dụng, tạo tiền đề cho hoạt động của Tập đoàn trong giai đoạn tiếp theo.

Được biết, tính đến hết quý III/2020, các tập đoàn dầu mỏ lớn như: Shell, BP, Chevron... đều ghi nhận các khoản thua lỗ tới hàng chục tỷ USD. Trong đó, BP (Anh) đã báo cáo khoản lỗ khủng tới 16,8 tỷ USD trong quý II và tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 450 triệu USD trong quý III.

Chevron, "đại gia" dầu mỏ của Mỹ báo cáo khoản lỗ 8,3 tỷ USD trong quý II và khoản lỗ 207 triệu USD trong quý III; Shell (Hà Lan) ghi nhận khoản lỗ 18,15 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2020.

Cùng chung cảnh ngộ, hàng loạt các công ty dầu khí lớn thế giới đã ghi nhận kết quả kinh doanh âm như: ConocoPhillips lỗ 1,5 tỷ USD, Total lỗ 8,3 tỷ USD và ENI lỗ 7,35 tỷ EUR./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục