Quan hệ Nga – Mỹ và phương Tây: Gió có đảo chiều? (Phần 2)

06:30' - 28/07/2018
BNEWS Tờ New York Times nhận định khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi xuống với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp thượng đỉnh mà ông Putin mong muốn từ lâu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: THX/TTXVN

Tất cả những gì Tổng thống Vladimir Putin cần cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Helsinki lần này là để cho nó diễn ra mà không có va chạm gì lớn - do đó, ông có thể tạo ra một sự kết thúc mang tính biểu tượng đối với những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga.

Ông Vladimir Frolov, một nhà phân tích về chính sách đối ngoại độc lập ở Moskva, đã nói trên New York Times rằng: “Nếu như ông Trump nói, những gì đã qua thì cho qua luôn vì chúng ta còn cả thế giới để xử lý. Đó đích thực là những gì Moskva mong muốn từ cuộc gặp này”.

Bất cứ điều gì gây ra chia rẽ trong lòng nước Mỹ hay chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh đều được Moskva xem là thắng lợi của họ. Với việc triển khai các tin tặc, các chiến dịch bóp méo thông tin và ủng hộ các lực lượng dân túy cực đoan ở châu Âu, từ lâu ông Putin đã tìm cách gây chia rẽ phương Tây và làm đảo lộn địa nền chính trị do Mỹ đứng đầu vốn đã được định hình.

New York Times nhận định, với việc tấn công liên tục vào các nhà lãnh đạo châu Âu và khởi động một cuộc chiến thương mại với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, ông Trump đang thực tế làm công việc này cho ông Putin.

Việc ông liên tục mắng mỏ nhu cầu chi tiêu của các đồng minh NATO cùng sự phẫn nộ ông thể hiện trong vấn đề giao thương với Liên minh châu Âu (EU), mà ông gọi là “kẻ thù”, đã khiến ngay cả các chuyên gia, vốn đã nhiều năm chứng kiến Tổng thống Putin cũng như các nhà lãnh đạo Liên Xô cộng sản trước đây tìm cách phá hoại liên minh Bắc Đại Tây Dương nhưng không được, phải giật mình.

Tatyana Parkhalina, Chủ tịch Hội hợp tác châu Âu-Đại Tây Dương của Nga, nhận định gần đây trên đài truyền hình nhà nước của nước này “đang chứng kiến điều rất bất ngờ, mà ngay cả Liên Xô cũng không thể làm được đó là chia rẽ Mỹ và Tây Âu. Lúc trước Liên Xô không làm được, nhưng bây giờ thì ông Trump lại làm được”.

Cho dù kết quả cuộc hội đàm này như thế nào, ông Putin cũng có thể thể hiện với người dân trong nước rằng đất nước ông đã ra khỏi sự cô lập của phương Tây và Nga nên được kết nạp trở lại vào khối G7 như ông Trump từng đề xuất.

Hiểu được những giới hạn đối với ông Trump, Nga biết rõ rằng cho dù ông Trump có đồng ý điều gì với ông Putin, ông ấy cần phải vượt qua được những định chế của Mỹ vốn vẫn hết sức nghi ngờ về Nga, Moskva không mong chờ có đột phá lớn tại hội nghị này. 

Mặc dù ông Trump từng nói cuộc gặp với ông Putin là “dễ dàng nhất đối với ông”, ông Michael McFaul, Giáo sư Đại học Standford, từng là đại sứ Mỹ tại Nga, lại cho rằng Tổng thống Trump không thể nào dễ dàng đối phó với ông Putin trừ phi “ông ấy đưa ra nhượng bộ không đòi hỏi điều gì đáp lại”.

Ông Stephen Sestanovich, từng phục vụ ở Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nói ông không đồng ý với những người chỉ trích ông Trump rằng ông ấy nên tránh gặp V. Putin nhưng ông cảnh báo rằng D. Trump chớ nên quá thân mật với nhà lãnh đạo Nga nếu không sẽ củng cố sự chống đối đối với chính sách đối ngoại của ông ở Quốc hội Mỹ và ở châu Âu.

Theo nhận định được đăng trên tờ Wall Street Journal, rất hiếm có một Tổng thống Mỹ bị cô lập về chính sách đối ngoại như Tổng thống Donald Trump hiện nay. Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với kết quả 97 phiếu thuận và 2 phiếu chống để ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay cả khi Tổng thống Trump hạ thấp vai trò của NATO và các đồng minh chủ chốt. 

Trong khi đó, cả Bộ Tư pháp và Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia cũng lên tiếng cảnh báo về nhà lãnh đạo Nga - người mà Tổng thống Trump đang cố gắng thu phục làm đồng minh của Mỹ. Chính sách hòa giải của Tổng thống Trump với Nga, vốn làm tổn hại đến NATO, thậm chí còn nhận được ít sự ủng hộ tại Washington hơn là chính sách phá vỡ quan hệ với các đồng minh Trung Đông để cải thiện quan hệ với Iran của Tổng thống Barack Obama.

Nếu cho rằng Mỹ đang có một sự khởi đầu mới với Nga thì dường như đây cũng là quan điểm có tính định kiến. Trong hệ thống chính trị Mỹ, Quốc hội có quyền giới hạn quyền lực thực hiện chính sách đối ngoại của Tổng thống. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để đánh giá xem liệu Tổng thống Trump có thể thay đổi được quan hệ Mỹ-Nga hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục