Quản lý an toàn đập: Sớm xây dựng và hoàn thiện các văn bản quản lý

21:00' - 08/10/2017
BNEWS Theo Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp – Bộ Công Thương, hiện trong công tác quản lý an toàn đập nói chung và quản lý an toàn đập thủy điện nhỏ nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.
Quản lý an toàn đập: Sớm xây dựng và hoàn thiện các văn bản quản lý. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Do vậy, trong thời gian tới, Cục đề nghị các bộ ngành liên quan sớm xây dựng, hiệu chỉnh, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa thủy điện; các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế, xây dựng, vận hành công trình thủy điện.

Các văn bản này phải đảm bảo tính khả thi, cụ thể, không chồng chéo... để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đập trong việc triển khai thực hiện. Cùng với đó, các ngành chức năng tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ đập không thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về quản lý an toàn đập.

Ngoài ra, các chủ đầu tư các dự án thủy điện và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác vận hành hồ chứa thủy điện, tuyên truyền đến người dân hiểu về vai trò của các hồ chứa thủy điện...

Báo cáo của Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp cho hay, tính đến giữa năm 2017, cả nước có 330 công trình thủy điện được đưa vào khai thác, sử dụng, trong đó có 194 công trình thủy điện nhỏ (công suất lắp đặt đến 30MW) có hồ chứa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được chủ đập thực hiện đăng ký an toan đập theo đúng quy định.

Theo đánh giá của Cục, hầu hết các chủ đập thủy điện nhỏ đều có ý thức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý an toan đập, đặc biệt là những hoạt động liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du như vận hành hồ chứa theo đúng quy trình vận hành, thực hiện kiểm định đập, kiểm tra đập, xây dựng các phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toan đập, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập...

Tuy nhiên, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp cho hay, nhiều chủ đập thủy điện chưa chủ động áp dụng khoa học công nghệ trong dự báo, tính toán lưu lượng nước về hồ để phục vụ vận hành hiệu quả, an toàn hồ chứa.

Thực tế hiện nay, chưa có quy định hướng dẫn chi tiết quy định chủ đập lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ chứa (quy định về mật độ, loại thiết bị...), do đó chưa ràng buộc, chưa có cơ sở để các chủ đập lắp đặt phục vụ vận hành hồ chứa hiệu quả.

Một số quy định chưa được thực hiện đầy đủ như việc xây dựng Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập, cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi... do các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, chưa có quy định về xác định vùng hạ du; chưa có quy định cụ thể về xây dựng, phê duyệt việc cắm mốc chỉ giới như quy cách mốc, khoảng cách giữa các mốc, thủ tục phê duyệt phương án cắm mốc.., cần phải sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan với chủ đập, một số địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức đến hướng dẫn các chủ đập xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du, phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, phương án bảo vệ đập, cắm mốc giới xác định phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập... và tổ chức phê duyệt các phương án.

Do vậy, một số nhà máy đã xây dựng và trình UBND tỉnh nhưng vẫn chưa được phê duyệt.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục