Quản lý chặt các tàu chuyển tải nhằm tránh “vạ lây” IUU

20:44' - 30/11/2017
BNEWS Việt Nam cần có quy định kiểm soát chặt cả hàng thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ nội địa và hàng chuyển tải qua các cửa khẩu cảng để xuất sang Trung Quốc để tránh vạ lây IUU.

Để tránh ảnh hưởng tới nỗ lực trong việc khắc phục thẻ vàng về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam cần có quy định kiểm soát chặt cả hàng thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ nội địa và hàng chuyển tải qua các cửa khẩu cảng để xuất sang Trung Quốc.

Đây là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản tại hội nghị “Nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất, xuất khẩu – Hiện trạng và giải pháp”, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Tp. Chí Minh ngày 30/11.

VASEP đề xuất cấp bách triển khai giải pháp khắc phục “thẻ vàng” về IUU với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh minh họa: Huy HÙng-TTXVN

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hải Vương, trong thời gian qua có tình trạng một lượng container rất lớn (khoảng vài trăm container/ngày) cập cảng Hải Phòng chuyển tải qua biên giới Trung Quốc (chủ yếu là hàng của doanh nghiệp Trung Quốc) để được hưởng chính sách ưu đãi hoàn thuế VAT 11%. Vì theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam vào nước này chỉ đóng mức thuế thấp 2%, sau đó chế biến xuất khẩu thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế 11%, tính ra doanh nghiệp kiếm lợi 9% tiền hoàn thuế.

“Mặc dù những container này có thể không được tiêu thụ trong nước, không phải của doanh nghiệp chế biến Việt Nam nhưng rất dễ dẫn đến “vạ lây”, có thể bị cho là “dung túng” đối với các trường hợp vi phạm về IUU. Việt Nam cần thể hiện rõ tính hợp tác toàn cầu trong chống khai thác IUU”, ông Nguyễn Xuân Nam nói.

Trước thực tế đó, đại diện công ty này cho rằng, trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2016 ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, Việt Nam cần bổ sung chế tài xử phạt, xử lý đối với những con tàu vi phạm về IUU chuyển tải vào các cửa khẩu cảng. Đồng thời, có đưa nội dung cảng chỉ định nhập khẩu nguyên liệu và có biện pháp quản lý các cảng nhập khẩu theo khuyến nghị của EU.

Cũng liên quan đến các tàu cá IUU, ông Nguyễn Phạm Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Highland Dragon đề xuất trong Dự thảo Thông tư 26 sửa đổi, Cục Thú ý cần quy định rõ thời gian thẩm tra tàu cá IUU. Bởi thời gian thẩm tra quá lâu sẽ khiến doanh nghiệp đội chi phí lưu kho, lưu bãi lên rất lớn.

Hiện quy trình thẩm tra về IUU ở EU cũng mất 2-3 tuần, doanh nghiệp có thể phải đóng phí lên đến 300-400 Euro/ngày. Nếu không may bị “tắc nghẽn” ở cả 2 đầu sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng kiến nghị việc quản lý nguồn nguyên liệu hải sản nhập khẩu để chế biến xuất khẩu cần thực hiện sao cho vừa đáp ứng yêu cầu của EU về chống khai thác IUU, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không để vướng mắc như hiện nay bởi nguồn nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò then chốt từ 20-90% tổng lượng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu hàng năm.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, một trong những vướng mắc lớn đối với nhập khẩu nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu sang EU trong Thông tư 26, đó là yêu cầu doanh nghiệp phải có bản sao giấy chứng nhận đánh bắt (C/C) do cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác cấp trong hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch.

Trên thực tế thông tin từ các doanh nghiệp cho thấy, với quy trình cấp C/C của các nước, thời gian để chủ tàu/chủ hàng có thể cung cấp C/C cho người mua ít nhất là 1 tháng kể từ ngày nhập khẩu. Trong khi đó, Luật Thủy sản cũng không quy định bắt buộc điều này cũng như theo quy định quốc tế.

Do đó, VASEP và các doanh nghiệp đề xuất trong Dự thảo Thông tư 26 sửa đổi không nên quy định yêu cầu nộp C/C trong hồ sơ kiểm dịch động vật thủy sản. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể cung cấp giấy chứng nhận của thuyền trưởng hoặc giấy xác nhận của người bán.

Doanh nghiệp sẽ nộp C/C khi nộp hồ sơ xin cấp xác nhận nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ nhập khẩu cho lô hàng xuất khẩu đi EU của mình (tức là nộp C/C vào thời điểm đăng ký xuất khẩu lô hàng).

Các doanh nghiệp cũng đề nghị đối với những lô hàng nguyên liệu nhập khẩu không có chứng thư (H/C) do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp thì cho phép cơ quan thẩm quyền Việt Nam lấy mẫu kiểm tra, phân tích rồi cấp H/C để doanh nghiệp được nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với lô hàng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, xuất khẩu đi EU, đã đáp ứng quy định của EU nhưng chỉ thiếu H/C hoặc H/C không có dòng chữ “meet EU requirements”, thì cho phép cơ quan thẩm quyền Việt Nam lấy mẫu phân tích, kiểm tra để chứng nhận cho lô nguyên liệu đủ điều kiện xuất khẩu sang EU…

>>>Đưa rau an toàn đến người tiêu dùng: Gian nan trong quản lý

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục