Quản lý chặt chẽ tài sản công bằng pháp luật

16:35' - 15/09/2016
BNEWS Cần sử dụng tài sản công nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật; quy định những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công…
Tài sản công là nguồn lực quan trọng của đất nước. Ảnh: Văn Đạt-TTXVN

Tài sản công là nguồn lực quan trọng của đất nước do đó khai thác có hiệu quả nguồn lực này là một trong những định hướng lớn trong quá trình xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo quan niệm chung, nguồn lực là tổng thể vị trí địa lí, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường... ở cả trong nước và nước ngoài có thể được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế của một lãnh thổ nhất định.

Nguồn lực được chia làm 2 nhóm: nguồn lực ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng, phát triển kinh tế và nguồn lực không trực tiếp nhằm mục tiêu kinh tế nhưng gián tiếp có ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển kinh tế. Các nguồn lực trên khi được chuyển hóa thành giá trị sẽ tại ra nguồn lực tài chính cho mỗi quốc gia.

Từ quan niệm chung về nguồn lực và phạm vi tài sản công được quy định tại Hiến pháp, nguồn lực tài chính từ tài sản công được hiểu là tổng hợp các khả năng có thể khai thác được từ tài sản công thông qua các hình thức nhất định theo quy định của pháp luật nhằm tạo nguồn tài chính để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công được sử dụng phổ biến bao gồm: giao quyền sử dụng tài sản công; cấp quyền khai thác tài sản công; cho thuê; bán, chuyển nhượng quyền khai thác, quyền sử dụng; góp vốn, liên doanh, liên kết; sử dụng giá trị tài sản công để thanh toán các nghĩa vụ của Nhà nước; bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã được xây dựng cơ bản đầy đủ để quản lý đối với tất cả các loại tài sản công. Chế độ quản lý, sử dụng tài sản công đã từng bước gắn giữa việc bảo vệ nguồn lực và khai thác nguồn lực tài sản công.

Theo đó, mọi tài sản công đều được giao cho đối tượng quản lý, đối tượng sử dụng nhằm xác định chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong việc bảo vệ, quản lý, sử dụng tài sản công; việc trang bị, quản lý, sử dụng tài sản công phải tuân theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; đối tượng được giao quản lý, sử dụng tài sản công phải sử dụng tài sản đúng mục đích, công năng.

Các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, sắp xếp, bố trí việc quản lý, sử dụng tài sản công hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và quy hoạch được duyệt; số tài sản dôi dư sau sắp xếp hoặc không còn phù hợp với quy hoạch, nhu cầu sử dụng được điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị khác sử dụng hoặc bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Những bước tiến về chính sách nêu trên đã đem lại những kết quả bước đầu quan trọng. Trong giai đoạn từ 2011-2015, thu từ đất đai bình quân đạt khoảng 60.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 10% thu ngân sách Nhà nước; thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước khoảng 6.000 tỷ đồng/năm; thu từ xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản xác lập sở hữu nhà nước bình quân 1.000 tỷ đồng/năm; thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (chưa bao gồm cấp quyền thông qua hình thức đấu giá) khoảng 4.500 tỷ đồng/năm...

Tuy vậy, việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công còn đối mặt những khó khăn, thách thức không nhỏ.

Việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp để đơn vị được phép sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết còn chậm (mới giao tài sản cho 723 đơn vị, với tổng giá trị 21.000 tỷ đồng).

Việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó, vừa hạn chế việc khai thác nguồn lực hiện có từ tài sản, vừa hạn chế việc thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư cho các lĩnh vực này để mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Thực tế rất khó khăn do thiếu nguồn lực để làm công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá. Chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa cân đối với chính sách thu và nguồn lực của ngân sách khi thực hiện dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, dự án xã hội hóa.

Khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công là vấn đề rất quan trọng .Ảnh: Hà Nội Mới

Ngoài ra, các nông, lâm trường đang quản lý diện tích đất khoảng 7,92 triệu ha nhưng phần lớn để hoang hóa, sử dụng lãng phí, không hiệu quả; trong khi người thực sự cần đất sản xuất thì phải đi thuê lại. Do vậy, giải pháp khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công là vấn đề rất quan trọng cần phải được nghiên cứu sâu để khai thác hiệu quả, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để có thể đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công cần có những giải pháp như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản công, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Trong đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tất cả các loại tài sản công đều được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật; quy định những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công…

Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho từng lĩnh vực để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật quản lý, sử dụng tài sản công (dự kiến từ 1/1/2018).

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại việc sử dụng tài sản công tại cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Tài sản dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng phải được xử lý kịp thời, công khai để thu nộp ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc áp dụng hình thức đấu giá khi giao đất, cho thuê đất. Nghiên cứu, thí điểm phương án đấu giá quyền sử dụng đất chưa giải phóng mặt bằng. Duy trì tỷ lệ thu tiền thuê đất như hiện nay (tỷ lệ chung là 1%) để khuyến khích các tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, cần rà soát các quy hoạch, kế hoạch sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên nhằm lượng hóa, dự báo, đánh giá khả năng khai thác nguồn lực tài chính và phải cân đối với nguồn lực tài chính có thể bố trí được để thực hiện.

Kiên quyết thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở tập trung đông người và các cơ sở phải thực hiện di dời theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành để có điều kiện khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất này cho phát triển kinh tế - xã hội; thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, mở rộng các phương thức đầu tư; nâng cao chất lượng sử dụng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ kết cấu hạ tầng giao thông nhằm huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (đường bộ, cảng biển, cảng hàng không, đường sắt...) thông qua một số phương thức cho thuê quyền khai thác hoặc chuyển nhượng có thời hạn.

Thực hiện xử lý tập trung đối với một số loại tài sản công như tài sản tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục