Quản lý, chia sẻ cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng hiệu quả

16:47' - 11/06/2018
BNEWS Phần mềm cập nhật diễn biến tài nguyên rừng sẽ cho phép cập nhật và lưu trữ dữ liệu tài nguyên rừng, bao gồm tất cả những thay đổi về rừng và đất lâm nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn. Ảnh:Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Với sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan qua dự án Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2 (FORMIS II), Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng: http://maps.vnforest.gov.vn. Phần mềm cập nhật diễn biến tài nguyên rừng sẽ cho phép cập nhật và lưu trữ dữ liệu tài nguyên rừng, bao gồm tất cả những thay đổi về rừng và đất lâm nghiệp (hoạt động, sự cố, diễn biến đất lâm nghiệp và sở hữu rừng).

Về những vấn đề liên quan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã có những chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, cũng như việc phải làm sao duy trì để không trở thành một phần mềm “chết” sau khi dự án kết thúc.

*Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá thế nào về hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng này?

*Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Chúng ta đang bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, do vậy chúng tôi đã xác định phải ứng dụng các thành tựu cao của nhân loại như: sử dụng ảnh viễn thám, công nghệ thông tin…, gắn với các mục tiêu quản lý lâm nghiệp. Việc đầu tiên ngành lâm nghiệp đang thực hiện là việc tổ chức, xây dựng các cơ sở dữ liệu về lâm nghiệp.

Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng trên cơ sở kết quả điều tra kiểm kê mà chúng ta đã sử dụng ảnh viễn thám để đảm bảo độ chính xác cao hơn với khoảng 1,5 triệu chủ rừng cá nhân, tổ chức ở 60 tỉnh thành. Việc theo dõi cụ thể, chi tiết đến tận lô, trạng thái rừng với khoảng 7 triệu lô rừng. Tất cả được số hóa trên bản đồ từ cấp xã, huyện, tỉnh và cả nước.

Cơ sở cũng gồm các dữ liệu theo dõi các chu kỳ kiễn biến rừng trong 5 năm/lần, từ năm 1990 đến nay.

Sử dụng cơ sở dữ liệu trong tổng điều tra kiểm kê để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng hàng năm. Việc thiết kế bộ cơ sở dữ liệu này đó là việc quản trị, cập nhật thường xuyên diễn biến của rừng từ cơ sở, cấp xã. Người thực hiện chính là kiểm lâm địa bàn, trên cơ sở ứng dụng hệ thống tin học để tích hợp vào mạng chung.

Hệ thống cơ sở dữ liệu này cho phép người sử dụng bao gồm cả nhà quản lý, khoa học, người dân có thể truy cập, theo dõi tình hình, cũng như sử dụng nghiên cứu khoa học…. Đặc biệt, bộ cơ sở dữ liệu này sẽ được sử dụng để tính chi trả dịch vụ môi trường rừng, tính trữ lượng cacbon để tiến tới được tính tín chỉ cacbon.

Đây cũng là nơi mọi người có thể truy cập để theo dõi, giám sát tình hình quản lý, bảo vệ rừng, cũng như tham gia đóng góp bộ cơ sở dữ liệu này để nó hoàn thiện hơn. Quan trọng hơn là sự tham gia đóng góp cơ chế, chính sách để phát triển ngành lâm nghiệp.

Mặc dù là bước đầu nhưng bộ cơ sở dữ liệu này có khối lượng nội dung lớn, có giá trị cao mà chúng ta đã xây dựng trong 10 năm qua với sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan. Tôi đánh giá đây là một dự án rất thành công.

*Phóng viên: Vậy cơ sở dữ liệu này sẽ được ứng dụng thực tiễn ở địa phương thế nào?

*Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Hiện nay, bất kỳ ở đâu có mạng internet chúng ta đều có thể truy cập được vào bộ dữ liệu này. Như vậy, đây là bộ dữ liệu quan trọng phải được cập nhật thường xuyên.

Do đó, Tổng cục Lâm nghiệp phải tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có những quy định mang tính chất pháp lý và những quy định hướng dẫn kỹ thuật để cho những người làm lâm nghiệp ở cơ sở, nhất là kiểm lâm địa bàn phải tinh thông về nghiệp vụ lâm nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ thông tin thực hiện cập nhật vào bộ dữ liệu này chính xác nhất.

Dù công nghệ thông tin có hiện đại đến mấy, nhưng nếu người cập nhật, quản trị bộ dữ liệu này không có những kỹ năng nghiệp vụ về lâm nghiệp, không có tinh thần trách nhiệm cao thì cũng sẽ không giúp ích cho bộ dữ liệu ngày càng tin cậy, chính xác hơn.

Con người vẫn là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công. Mặc dù có bộ dữ liệu ban đầu rất tốt nhưng việc duy trì nó là một quá trình rất quan trọng. Việc quan trọng này không chỉ giúp ích cho trước mắt mà nó còn dữ liệu lịch sử phục vụ đánh giá quá trình phát triển của cả ngành, đánh giá các giải pháp dài hạn trong lâm nghiệp, phục vụ cho nghiên cứu khoa học…

Như các quốc gia phát triển trên thế giới, họ đã có bộ dữ liệu hàng chục, hàng trăm năm. Chúng ta phải quyết tâm để đạt được mục tiêu duy trì sự cập nhật để không trở thành một phần mềm “chết” sau khi dự án kết thúc.

*Phóng viên: Mọi người đều có thể truy cập vào bộ dữ liệu này. Vậy việc đảm bảo tính bảo mật đối với những dữ liệu quan trọng khi cung cấp cho người sử dụng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính thế nào?

*Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Bộ cũng đang rất quan tâm trong việc đảm bảo an toàn bộ dữ liệu này. Do đó chắc chắn ngay trong quản trị bộ dữ liệu cũng phải phân tầng, phân cấp và có những giải pháp chống hacker... Giải pháp về lưu trữ cũng đã được tính đến là không chỉ trong hệ thống mà kể cả lưu trữ ở ngoài hệ thống dữ liệu hàng năm.

Đương nhiên, việc truy cập sẽ có những khách hàng, người dân. Việc cập nhật ấy cũng sẽ được phân tầng, phân cấp truy cập vào bộ dữ liệu ở mức độ nhất định để đảm bảo các quyền về bảo mật thông tin.

*Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục