Quản lý hiệu quả thủy điện vừa và nhỏ

08:15' - 23/02/2018
BNEWS Bộ Công thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát và loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường – xã hội.

Chiến lược phát triển điện lực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia được Chính phủ cụ thể hóa bằng việc ban hành các Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong từng giai đoạn và hiện nay thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/1016 của Thủ tướng Chính phủ (gọi là Quy hoạch điện VII điều chỉnh), theo đó, năng lượng tái tạo trong đó có thủy điện nhỏ được khẳng định ưu tiên phát triển.

Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu chùm 3 bài viết về các vấn đề liên quan đến phát triển năng lượng của Việt Nam.

Quản lý hiệu quả thủy điện vừa và nhỏ. Ảnh minh họa: TTXVN

Bài 1 - Quản lý hiệu quả thủy điện vừa và nhỏ

Trong những năm qua, thực tế cho thấy thủy điện vừa và nhỏ giữ vai trò đáng kể trong nguồn điện của nước ta. Các công trình thủy điện vừa và nhỏ sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến giữa năm 2017, trên địa bàn toàn quốc có 330 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, sử dụng.

Rà soát quy hoạch thủy điện

Nghị quyết 62/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng vận hành các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại Việt Nam - Chiến lược phát triển thủy điện nhỏ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 nhằm tạo sự thống nhất trong công tác quản lý.

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho rằng: Việc phát triển thủy điện có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện các công trình thủy điện đang vận hành khai thác theo đúng các yêu cầu nêu tại Nghị quyết 62/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Đối với các dự án thủy điện thuộc khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Trung Trung Bộ sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch nếu có ảnh hưởng đến đất rừng các loại phải kiên quyết loại bỏ khỏi quy hoạch.

Đặc biệt, tăng cường quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn đập, đảm bảo môi trường, quản lý chất lượng công trình chặt chẽ từ khâu thiết kế, giám sát, thi công.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện, tiến tới từng bước phát triển thủy điện một cách bền vững đóng góp vào việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Thực hiện rà soát quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, Bộ Công thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát và loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường – xã hội.

Hiện nay cả nước còn 316 dự án thủy điện đã quy hoạch chưa thực hiện đầu tư, trong đó chủ yếu là thủy điện nhỏ. Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, cùng với việc rà soát quy hoạch cần thúc đẩy đầu tư, xây dựng thủy điện nhỏ đã được quy hoạch.

Hiện một số nhà đầu tư tư nhân đã có kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ; các đơn vị tư vấn trong lĩnh vực thủy điện cũng có bề dày kinh nghiệm để hỗ trợ chủ đầu tư trong việc thực hiện các giai đoạn đầu tư xây dựng công trình, đây là những thuận lợi để thúc đẩy việc xây dựng thủy điện nhỏ.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang dần ổn định và có sự tăng trưởng trở lại, cũng là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư huy động vốn triển khai dự án, đặc biệt một số dự án thủy điện nhỏ đã được vay ưu đãi từ Ngân hàng thế giới.

Ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Cùng với việc rà soát quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, thực hiện rà soát toàn bộ các quy hoạch hồ chứa trên các lưu vực sông nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, đáp ứng yêu cầu đa mục tiêu. Đồng thời, ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở trung ương và địa phương nhằm khắc phục hiện tượng chồng chéo trong công tác quản lý quy hoạch thủy điện giữa các Bộ, ngành, địa phương.

Quản lý hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Các nhà máy thủy điện góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016, đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng; 8 tháng năm 2017 đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống điện), đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước...

Tại một số tỉnh như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lắk, Lâm Đồng..., các nhà máy thủy điện đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách. Mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 21.600 MW; đến năm 2025 đạt 24.600 MW và đến năm 2030 đạt 27.800 MW.

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng: Để quản lý hiệu quả thủy điện vừa và nhỏ cần tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch, thiết kế, chất lượng công trình và quản lý vận hành đối với thủy điện vừa và nhỏ.

Chỉ xem xét bổ sung quy hoạch đối với các dự án thủy điện nhỏ được khẳng định ưu tiên phát triển theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường, xã hội. Đồng thời, đảm bảo các dự án thủy điện nhỏ thực hiện các yêu cầu về trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng và duy trì dòng chảy môi trường theo quy định.

Việt Nam có tiềm năng về thủy điện nhưng để phát triển và quản lý hiệu quả thủy điện vừa và nhỏ cần phải chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện từ trung ương đến địa phương, bởi số lượng cán bộ, công chức chuyên ngành thủy điện tại các cơ quan quản lý quá “mỏng”, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư đối với cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng phía thượng và hạ lưu khi xây dựng, vận hành thủy điện; hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân khu tái định cư do thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, chất lượng xây dựng công trình và vận hành an toàn công trình thủy điện để từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển thủy điện theo đúng quy hoạch.

Đặc biệt, cần có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn thuế từ thủy điện để tái đầu tư cho sản xuất, hạ tầng kinh tế xã hội vùng dân cư bị ảnh hưởng khi xây dựng thủy điện; xây dựng thông tư quy định về cơ chế đặc thù đối với các dự án thủy điện thực hiện theo cơ chế phát triển sạch.

Ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh: Để quản lý, phát triển thủy điện vừa và nhỏ hiệu quả cần nghiên cứu phát triển các dự án trên cơ sở hiệu ích tổng hợp trong hệ thống bậc thang thủy điện trên các lưu vực sông. Bên cạnh đó, ban hành cơ chế chia sẻ lợi ích và chi phí của các dự án thủy điện có lợi ích tổng hợp.

Đối với các dự án thủy điện phải trồng bù rừng, trả phí dịch vụ môi trường rừng cần quy định cụ thể các trường hợp không được phép chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác.

Có thể nói, thủy điện là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo cần được khai thác một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững./.

>>>Xuân ấm no trên vùng đất mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục