Quản lý tài nguyên, môi trường qua kết quả kiểm toán

11:53' - 05/04/2024
BNEWS Kiểm toán môi trường hiện nay đã trở thành một hoạt động chính tại nhiều cơ quan kiểm toán tối cao SAI.

Bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững là vấn đề trọng tâm trong xu thế chiến lược toàn cầu, trong đó có các nước đang phát triển như Việt Nam. Để đẩy mạnh bảo vệ môi trường nhiều quốc gia đã chú trọng triển khai kiểm toán môi trường. Kiểm toán môi trường hiện nay đã trở thành một hoạt động chính tại nhiều cơ quan kiểm toán tối cao SAI.

Tại Việt Nam kiểm toán môi trường đã được Kiểm toán nhà nước triển khai và là một trong các nội dung kiểm toán công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công gắn với việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Theo đó,  Kiểm toán nhà nước  đã tổ chức các cuộc kiểm toán hướng đến những vấn đề môi trường và nhận được sự quan tâm của Chính phủ và dư luận xã hội.

Trong thời gian qua, ngoài thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán các cuộc kiểm toán chuyên đề đối với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm: Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh; kiểm toán hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016- 2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện các cuộc kiểm toán về quản lý, sử dụng vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Qúy Kiên, thông qua kiểm toán đã chỉ ra những tồn tại, bất cập và đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, ngay khi nhận được các Thông báo kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra trong quản lý tài nguyên, môi trường đối với chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Qúy Kiên cũng cho biết, các kiến nghị của Kiểm tóa nhà nước là cơ sở để hoàn thiện thể chế, chính sách về hoạt động khoáng sản, bổ sung các quy định phù hợp thực tế về môi trường và hoàn thiện quy hoạch về tài nguyên nước.

Theo đó, kiểm toán nhà nước đề xuất, kiến nghị bổ sung quy định kiểm toán môi trường đối với các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường của các đối tượng này.

Từ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu và trình Chính phủ, Quốc hội bổ sung quy định về kiểm toán môi trường tại Điều 74 và Điều 160 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn. 

Ngoài ra, Điều 160 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 cũng đã bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan.

Trong lĩnh vực tài nguyên nước, các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc lập, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các quy hoạch tài nguyên chung của cả nước, quy hoạch tài nguyên nước của lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, kiến nghị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu để thực hiện lập các quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ.

Đến thời điểm hiện nay đã phê duyệt được quy hoạch chung của cả nước, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản và 8/13 quy hoạch sông liên tỉnh, 05 quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh, đối với các quy hoạch còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Với lĩnh vực đất đai, thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thể chế hóa trong các quy định tại Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn Luật để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Qúy Kiên nhấn mạnh, các kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, đảm bảo quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực trong phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày càng tốt hơn, góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền lực, lách luật dẫn đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Ngoài ra, các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tài nguyên và môi trường, thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, tạo tiền đề cho sự phát triển và minh bạch nền tài chính quốc gia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục