Quản lý thị trường luôn đi đầu trong chống hàng giả, hàng nhái

18:43' - 06/08/2020
BNEWS Bảy tháng năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 1.064 vụ hàng giả, hàng nhái; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 11,8 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 8,3 tỷ đồng.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn lực lượng quản lý thị trường tháng 7/2020, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường ghi nhận sự nỗ lực, kịp thời, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ và được xã hội và người dân đánh giá cao.

Cụ thể, Tổng cục đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc toàn lực lượng triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt để ngăn chặn không để tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Điển hình, trong tháng 7, lực lượng quản lý thị trường đã “triệt phá” kho hàng lậu diện tích 10.000m2 tại TP. Lào Cai (vụ việc này đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi thư biểu dương, động viên lực lượng và các lực lượng chức năng). Tại Hà Nội đã kiểm tra, tạm giữ hàng chục nghìn xuất bản phẩm và sách giáo khoa không rõ nguồn gốc…

Ngoài ra, trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường cũng nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu các Cục Quản lý thị trường địa phương chủ động và phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyến, buôn bán các mặt hàng phục vụ phòng chổng dịch như khẩu trang, nước rửa tay, thiết bị y tế; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, đặc biệt tại các địa phương đang có dịch.

Theo ông Trần Hữu Linh, mới đây lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra một xưởng sản xuất 2.000m2 tại Hòa Bình sản xuất khẩu trang và gia công găng tay cao su có dấu hiệu đã qua sử dụng với số lượng lớn. Hay tại Quảng Bình phát hiện gần 1 triệu khẩu trang y tế do Việt Nam sản xuất không hóa đơn, chứng từ...

Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thiết bị y tế phòng chống dịch, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục triển khai Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020. Theo đó, trong tháng 7, lực lượng này đã tuyên truyền, vận động, ký cam kết 1.040 cơ sở, lũy kế 7 tháng năm 2020 là 10.804 cơ sở.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong tháng 7, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 395 vụ; xử lý 341 vụ; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 3,1 tỷ đồng.

Lũy kế 7 tháng năm 2020 đã kiểm tra, xử lý 1.064 vụ; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 11,8 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 8,3 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.

Đáng lưu ý, trong tháng 7, đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường đã tiếp nhận gần 100 cuộc gọi phản ánh từ người dân. Các cuộc gọi nêu trên tập trung vào thời điểm cuối tháng 7 và chủ yếu phán ánh về tình trạng tăng giá khẩu trang.

Với sự vào cuộc nhanh, kịp thời, lũy kế từ ngày 1/1/2020 đến ngày 24/7/2020, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý trên 39.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 193 tỷ đồng; giá trị hàng tịch thu chưa bán trên 250 tỷ đồng. Dự báo trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Để góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội thời điểm cuối năm và dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Mặt khác, lực lượng tiếp tục triển khai và hoàn thành Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2020 và các kế hoạch chuyên đề trong đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Riêng với đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, chủ động, lực lượng sẽ quyết liệt triển khai thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường đấu tranh chống buôn lậu trên địa bàn; chú trọng rà soát, kiểm tra các mặt hàng thường bị nhâp lậu như: rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng,...

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, điểm chuyển phát nhanh trên địa bàn. Đặc biệt, tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử và các ứng dụng số tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020.

Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã chỉ đạo toàn lực lượng đề cao tinh thần chống dịch và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

“Mỗi đồng chí là một chiến sĩ chống dịch, nhưng không được lơ là nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt đối với các địa bàn nóng và các mặt hàng trọng điểm, cụ thể như thiết bị y tế: khẩu trang, găng tay y tế, nước sát khuẩn bởi với diễn biến dịch thì hình thức kinh doanh trên mạng xã hội sẽ rất phức tạp” - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Tổng cục trưởng đề nghị toàn lực lượng cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn để ý thức bảo vệ trong phòng chống dịch, không hoang mang và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp cũng như cảnh báo cho người dân toàn xã hội phòng tránh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục