Quản lý thị trường phổ biến văn bản và các quy định đối với dán nhãn năng lượng

21:36' - 30/06/2020
BNEWS Chương trình dán nhãn năng lượng liên quan đến các văn bản pháp luật về nhãn năng lượng, cập nhật lộ trình dán nhãn năng lượng và lộ trình áp dụng MEPS cũng như hệ thống TCVN.

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương phối hợp Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và các quy định đối với dán nhãn năng lượng.

Nội dung Chương trình dán nhãn năng lượng liên quan đến các văn bản pháp luật về nhãn năng lượng, cập nhật lộ trình dán nhãn năng lượng và lộ trình áp dụng MEPS cũng như hệ thống TCVN.

Theo đó, việc kiểm tra, giám sát các sản phẩm năng lượng chủ yếu tập trung vào 5 nhóm đối tượng của chương trình dán nhãn gồm nhóm thiết bị gia dụng: đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện tử và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ.

Cùng với đó là nhóm thiết bị văn phòng và thương mại máy photocopy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại, máy tính xách tay; nhóm thiết bị công nghiệp: máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện; nhóm phương tiện giao thông vận tải: xe ô tô con (loại 9 chỗ trở xuống), xe mô tô, xe gắn máy.

Ngoài ra, còn có các thiết bị khác đèn chiếu sáng công cộng; máy điều hoà nhiệt độ có công suất lớn hơn 28 kW làm lạnh bằng nước và những loại thiết bị cần thiết khác lộ trình dán nhãn và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu do Bộ Công Thương quy định.

Việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dán nhãn năng lượng gồm vi phạm quy định về dán nhãn năng lượng và sử dụng nhãn năng lượng và vi phạm về danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng.

Vì vậy, phải xác định được các hành vi vi phạm của doanh nghiệp như không thực hiện dán nhãn năng lượng cho sản phẩm bắt buộc; không báo cáo, báo cáo không đúng với cơ quan có thẩm quyền về sản phẩm phải dán nhãn năng lượng.

Hơn nữa, sử dụng nhãn năng lượng sai quy cách và tiếp tục dán nhãn năng lượng cho sản phẩm khi giấy chứng nhận hết hạn; dán nhãn năng lương không đúng cho sản phẩm được chứng nhận, hoặc cho sản phẩm chưa được chứng nhận; cung cấp thông tin sai trên nhãn năng lượng so với giấy chứng nhận; sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thuộc danh mục bị loại bỏ.

Mặt khác, các hành vi vi phạm như cản trở người có thẩm quyền thi hành công vụ; không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền; tự tháo gỡ niêm phong, tẩu tán tang vật, tiêu thụ tang vật hoặc trì hoãn, trốn tránh thi hành quyết định thanh, kiểm tra.

Áp dụng cơ sở pháp lý về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17/5/2010; Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13; Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật và Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Riêng với hoạt động kiểm tra về dán nhãn năng lượng có thẩm quyền xử phạt, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường địa phương có quyền phạt cảnh cáo,  phạt tiền đến 50 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Đặc biệt, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực theo quy định, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả./.

  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục