Ngăn chặn hàng giả: Mạnh tay hơn để giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp

13:48' - 10/07/2025
BNEWS Không còn dừng lại ở bao bì nhái, hàng kém chất lượng hay mạo danh thương hiệu, “phiên bản nâng cấp” mới của hàng giả đang âm thầm phát triển đó là giả mạo quyền sở hữu trí tuệ.
Những đối tượng giả đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc gần giống với thương hiệu đang lưu hành, sau đó quay lại khởi kiện chính doanh nghiệp thật với lý do “xâm phạm” quyền sở hữu trí tuệ trên giấy tờ. Rất nhiều chiêu thức tinh vi đang được các đối tượng vi phạm sử dụng để “hạ bệ” hàng thật, làm lũng đoạn thị trường. Đây là nội dung trọng tâm được thảo luận tại tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây thiệt hại cho doanh nghiệp” do Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 10/7.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý cho Công ty Cổ phận Nhựa Bình Minh, hàng giả và thông tin giả không còn đơn thuần là gian lận thương mại, mà đang ngày càng trở thành một chiến lược tinh vi, hợp pháp hóa qua các kẽ hở thể chế, gây tổn hại nghiêm trọng cho những doanh nghiệp sống bằng giá trị thật. Có nghịch lý doanh nghiệp chính hãng bị đối tượng làm giả, làm nhái khởi kiện đang khá phổ biến, khiến doanh nghiệp thiệt hại về danh tiếng, nguy cơ phải rút sản phẩm khỏi thị trường, bị cắt đứt chuỗi phân phối, mất đối tác quốc tế. Đáng lo ngại, thực tế này sẽ tạo ra tiền lệ pháp lý “đi đăng ký trước” có thể hợp thức hóa hành vi chiếm đoạt tài sản trí tuệ của người khác.

Dẫn chứng từ thương hiệu Nhựa Bình Minh, ông Tú cho biết: Trên thị trường có rất nhiều đơn vị đăng ký sở hữu trí tuệ với tên, logo, kiểu dáng giống đến 99% thương hiệu Nhựa Bình Minh, khiến doanh nghiệp phải vất vả đi thưa kiện, ngăn chặn. Ông Tú phân tích, kẽ hở của thực trạng này đến từ nguyên tắc “nộp đơn trước được quyền trước” của Luật Sở hữu trí tuệ, mà chưa có sự đánh giá hay kiểm tra quy mô sản xuất, thương mại thực tế của doanh nghiệp đó. “Việc chỉ dựa vào thời điểm nộp đơn mà bỏ qua yếu tố sử dụng thực tế khiến pháp luật vô tình biến thành công cụ sát thương doanh nghiệp, thay vì là hệ thống bảo vệ sáng tạo và uy tín”, ông Tú nhấn mạnh.

Không chỉ đối mặt với “bẫy pháp lý”, doanh nghiệp chân chính còn bị “hạ bệ” bởi chiêu thức sử dụng “vũ khí” truyền thông bẩn.  Nhiều doanh nghiệp trở thành nạn nhân của các chiến dịch tung tin giả như tạo tài khoản mạng xã hội giả mạo, đăng clip cắt ghép sai sự thật, dẫn đến hậu quả nặng nề. Đơn cử như một thương hiệu thực phẩm chức năng đã sụt giảm đến 40% doanh thu chỉ trong 2 tuần vì một thông tin thất thiệt trên TikTok.

 
Ông Nguyễn Thành Nam, Cục phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng: Các chiêu thức làm giả, làm nhái ngày càng mở rộng và ẩn mình tinh vi trên môi trường số. Các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để phân phối hàng hóa không rõ nguồn gốc, tạo lập tài khoản ảo, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng để trục lợi bất chính. Ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc phát tán và xử lý theo pháp luật những vụ việc doanh nghiệp bị tung tin thất thiệt, xuyên tạc, bôi nhọ thương hiệu như thế.

Chỉ ra sự nguy hại của thông tin giả đối với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức, Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, cho rằng: Chúng ta cần có các giải pháp giám sát chặt chẽ, minh bạch, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý hàng nhái mạnh tay hơn, để xóa "vùng xám" pháp lý, giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp trong hành trình phát triển sản xuất và bảo vệ mình trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, hiện nay là nhiều quy định pháp luật không còn phù hợp với sự phát triển của thị trường trong nước, làm giảm đi công cụ giám sát, xử lý của lực lượng chức năng. Các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả hàng nhái hiện nay vẫn tập trung vào phần ngọn, từ đó Sở Công thương đưa ra chương trình Tích xanh trách nhiệm nhằm nâng cao trách nhiệm của đơn vị sản xuất ngay từ đầu.

“Khi được gắn tích xanh, doanh nghiệp phải làm đúng cam kết như công bố đưa ra về sản phẩm, đảm bảo minh bạch thông tin, nguồn gốc hàng hóa, nếu vi phạm sẽ mất thị phần trong toàn hệ thống bán lẻ hiện đại”, ông Phương cho biết.

Ngoài ra, các ý kiến tại tọa đàm cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình trước nạn hàng gian, hàng giả bằng giải pháp công nghệ, sử dụng tem, chip, liên tục thay đổi nhận diện để “chặn” hàng giả ăn theo. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh cần sự vào sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của ngành chức năng, lực lượng thực thi pháp luật tại địa phương và giải pháp truyền thông, xử lý triệt để tình trạng quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, tạo sự tương hỗ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cuộc chiến bảo vệ giá trị thật.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục