Quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo sự đa dạng của văn hóa truyền thống

19:58' - 18/01/2019
BNEWS Công tác quản lý và tổ chức lễ hội cần tôn trọng sự khác biệt, đa dạng của các lễ hội chứ không nên theo cùng kịch bản, dễ dẫn đến mất bản sắc văn hóa các dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN 

Chiều 18/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chủ trì hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019 với sự tham dự của nhiều đại biểu trung ương, các địa phương, nhà nghiên cứu văn hóa.

Những bước tiến dài

Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cho rằng: Mùa lễ hội 2018, việc tổ chức, quản lý lễ hội đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng ở nhiều yếu tố.

Trong đó, việc chỉ đạo đã được thống nhất từ Trung ương đến địa phương để có định hướng quản lý, tổ chức.

Các bộ, ban, ngành, địa phương đều vào cuộc quyết liệt, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và đặc biệt làm chấn chỉnh nạn đổi tiền lẻ, đặt tiền giọt dầu, công đức... đúng vị trí quy định, đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với các địa phương kịp thời xử lý những vấn đề bất cập ở địa phương.

Thêm vào đó, ý thức của người dân khi tham gia lễ hội đã tốt hơn trước rất nhiều, Ban Quản lý di tích, tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, chuyên nghiệp hơn…

Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương báo cáo nêu rõ: Những tồn tại, hạn chế mùa lễ hội trước đã cơ bản được khắc phục.

Hoạt động lễ hội năm 2018 diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, xuyên suốt thời gian trước, trong và sau khi lễ hội kết thúc.

Đối với một số lễ hội còn để xảy ra các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ví dụ như tại lễ hội Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), không còn hiện tượng tranh giành cướp lộc.

Hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông), xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) rút ngắn thời gian giằng bông, không tổ chức trò chơi chọi gà nhằm loại trừ hiện tượng cờ bạc trá hình như chọi gà ăn tiền mọi năm.

Ban tổ chức Lễ hội Đền Bà Chúa Kho - năm 2018, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động khách thập phương hạn chế đốt đồ mã, vàng mã hoặc sau khi lễ đồ mã, vàng mã được gửi vào kho của nhà đền.

Ban tổ chức Lễ hội khai ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) đã niêm yết giá vé trông giữ xe công khai theo quy định, lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý các sai phạm. Lắp đặt thêm các camera trong sân đền để kiểm soát an ninh, trật tự và khắc phục hiện tượng “đưa tiền lấy ấn”…

Các lễ hội chọi trâu được coi là điểm «nóng « trong một số mùa lễ hội thì năm 2018 cũng đã được thực hiện tốt, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Trong đó, Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, Ban tổ chức đề ra các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội; có hàng rào kiên cố khu vực chọi trâu.

Địa phương có kiểm soát, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời các hiện tượng cá cược xảy ra trong lễ hội; quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với Ban Tổ chức, chủ trâu, người tham gia lễ hội; kiểm soát số lượng trâu được thịt, thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán đúng giá, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ được tổ chức đúng quy định, không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội.

Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng đã tổ chức an toàn, thực hiện đúng theo Đề án đổi mới công tác tổ chức, quản lý, tổ chức lễ hội, giảm số lượng trâu chọi, tổ chức duy nhất một vòng chọi chính hội, không bán vé thu tiền vào lễ hội và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử của lễ hội chọi trâu cho người tham gia lễ hội.

Giảm tối đa những hiện tượng bất cập

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN 

Tuy vậy, lễ hội là nơi tập trung lượng lớn người dân từ khắp nơi đổ về nên vẫn không thể tránh khỏi những hiện tượng bất cập. Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc cho rằng: Lễ hội có tính chất phức tạp nhất định và việc quản lý không thể tuyệt đối hóa, không thể coi lễ hội là hoạt động ngay ngắn, trật tự, không có tì vết gì vì rất khó.

Ông Phạm Xuân Phúc khẳng định những tồn tại, bất cập ở lễ hội là vẫn còn nhưng chỉ ở một số lễ hội chứ không tràn lan, phổ biến như trước…

Nếu có sự quản lý thống nhất từ khâu chuẩn bị tổ chức, phần lễ, hội, đến quy hoạch hàng quán, chỗ gửi xe đều do Ban quản lý di tích làm thì rất ổn nhưng có sự tham gia của nhiều bên sẽ nảy sinh bất cập do xung đột lợi ích…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng: Công tác tuyên truyền là rất quan trọng, do đó trong mùa lễ hội năm 2019 và những năm tiếp theo, các địa phương vẫn rất cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc để người dân nhận diện đúng giá trị của lễ hội, di tích, tránh tình trạng người dân đi lễ hội theo phong trào mà không hiểu hết các giá trị truyền thống.

Thêm vào đó, các cơ quan quản lý, địa phương, ban tổ chức các lễ hội cũng cần tiếp tục thuyết phục, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh nơi diễn ra lễ hội; bảo tồn có chọn lọc các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với thực tế địa phương…

Đặc biệt, các địa phương hết sức quan tâm chú ý rà soát, nâng cấp cơ sở vật chất nơi diễn ra lễ hội để tạo điều kiện tốt nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong khâu tổ chức, quản lý lễ hội.

Có ý kiến cho rằng, công tác quản lý lễ hội cũng cần tôn trọng sự khác biệt, đa dạng của các lễ hội chứ không nên theo cùng kịch bản, dễ dẫn đến mất bản sắc văn hóa các dân tộc.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ, ngành văn hóa luôn đảm bảo để công tác quản lý, tổ chức lễ hội đảm bảo giữ được những nét văn hóa truyền thống. Bộ luôn khuyến cao các địa phương không vì muốn tạo ra một thương hiệu gì đó cho địa phương để thu hút khách mà làm sai lệch, biến tướng các giá trị văn hóa, nhân văn trong hoạt động lễ hội, đặc biệt trong quản lý, tổ chức phục dựng.

Bộ cũng tích cực hợp tác với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, từ đó có những đề xuất, kiến nghị, hướng xử lý, thay đổi phương thức với một số nghi thức không còn phù hợp với điều kiện ngày nay như là chém lợn ở Ném Thượng, đập đầu trâu ở Yên Bái…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn tiếp tục hợp tác với các cơ quan nghiên cứu để hướng tới công tác quản lý, tổ chức lễ hội gắn với bảo tồn, phát huy, đảm bảo phong phú, đa dạng của giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục