Quản lý, vận hành lưới điện truyền tải - Bài 3: Mục tiêu hàng đầu vẫn là an toàn

13:06' - 19/03/2021
BNEWS Tính đến đầu năm 2021, Truyền tải điện Đông Bắc 3 có tổng số trạm biến áp (TBA) đưa vào điều khiển xa là 6 trạm. Các trạm này đều đảm bảo vận hành an toàn tuyệt đối.

Tính đến đầu năm 2021, Truyền tải điện Đông Bắc 3 có tổng số trạm biến áp (TBA) đưa vào điều khiển xa là 6 trạm, gồm Bảo Lâm, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quang Châu, Hà Giang và Lưu Xá. Các trạm này đều đảm bảo vận hành an toàn tuyệt đối.

Cùng với đó, với sự phát triển không ngừng của lưới điện, Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã liên tục thực hiện giám sát, nghiệm thu và tiếp nhận các công trình mới.

Tính riêng từ năm từ 2015 đến nay có 7 dự án đường dây và TBA xây mới, 8 dự án mở rộng nâng công suất đường dây và TBA. Tuy với nhân lực còn hạn chế, song các dự án đã được giám sát, nghiệm thu đóng điện đảm bảo an toàn. 

Đặc điểm các đường dây nằm trong khu vực có mật độ giông sét lớn, diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết với nhiều giông lốc; nhiều TBA cũ, sơ đồ cải tạo nhiều lần, thiết bị đã cũ bộc lộ nhiều khiếm khuyết và thường xuyên phải cắt điện đại tu, sửa chữa.

Tuy nhiên với việc thực hiện nhiều giải pháp giảm thiểu sự cố, trong những năm gần đây, số vụ sự cố trên địa bàn Truyền tải điện Đông Bắc 3 quản lý đã giảm, mặc dù khối lượng quản lý vận hành liên tục tăng, đặc biệt các vụ sự cố đường dây do sét đã giảm đáng kể. Nếu năm 2014 xảy ra 47 sự cố thì đến năm 2020 chỉ xảy ra 6 sự cố.

Đáng chú ý, Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã yêu cầu các Đội Truyền tải điện kiểm soát chặt chẽ hành lang tuyến, kiểm tra định kỳ đúng quy định và thực hiện các biện pháp giảm sự cố theo sự chỉ đạo của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1). 

Cùng với đó, các đường dây của đơn vị phần lớn nằm trên vùng núi cao, khu vực nhiều giông sét, các sự cố đường dây hầu hết đều là sự cố do sét.

Theo thống kê từ năm 2012 đến nay có 162 sự cố phần đường dây; trong đó có 142 sự cố do sét, chiếm tỷ lệ 88%. Nhận thức rõ vấn đề này, trong những năm qua Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu các sự cố do sét. 

Cụ thể, tính từ năm 2014 đến nay đơn vị đã sửa chữa thay thế 5.466 sợi tiếp địa trên 1.424 vị trí; thay thế 3.151 cờ tiếp địa trên 778 vị trí;  bổ sung 1.462 sợi dây néo trên 397 vị trí; bổ sung 4.926 bát cách điện các loại trên 745 vị trí (bao gồm cả thay thế chuỗi cách điện composte bằng chuỗi cách điện thủy tinh); lắp đặt chống sét đa tia trên 205 vị trí; điều chỉnh 1.346 mỏ phóng (tăng khoảng cách phóng điện) trên 178 vị trí; lắp đặt thử nghiệm kim thu sét 84 vị trí...

Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã triển khai 3 dự án lắp đặt chống sét van trên đường dây 220kV Hà Giang - Thái Nguyên 1 (đường dây mua điện Trung Quốc), Tuyên Quang - Bắc Kạn - Thái Nguyên, nhánh rẽ trạm 220kV Bắc Kạn và Nho Quế 3 - Cao Bằng với tổng số 1.311 bộ chống sét van được lắp đặt trên 663 vị trí.

Hàng năm đơn vị đều vệ sinh cách điện trên toàn bộ các đường dây, cung đoạn đường dây quản lý nhằm giảm tổn thất điện năng; đồng thời cũng nâng cao cách điện hạn chế tình trạng phóng ngược dòng sét lên đường dây, đảm bảo vận hành an toàn đường dây.

Ông Nguyễn Phúc An, Giám đốc PTC1 cũng cho rằng 5-7 năm trở lại đây, nhờ Truyền tải điện Đông Bắc 3 thực hiện nhiều giải pháp chống sét nên sự cố do sét trên các đường dây trong khu vực đơn vị quản lý đều giảm đáng kể mặc dù khối lượng đường dây tăng.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu sự cố do diều, hàng năm Truyền tải điện Đông Bắc 3 đều tích cực tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện cao áp đến toàn bộ các thôn xã và người dân sinh sống, làm việc gần các đường dây và TBA 220/500kV. 

Đồng thời, ký hợp đồng bảo vệ đường dây, phối hợp ngăn chặn diều với 63 xã khu vực người dân có phong trào chơi thả diều; trong đó có 21 xã thuộc tỉnh Bắc Giang, 18 xã thuộc tỉnh Thái Nguyên, 14 xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, 9 xã thuộc thành phố Hà Nội và 1 xã thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Song song với đó, “Truyền tải điện Đông Bắc 3 gửi các công văn đến UBND từ cấp xã, huyện, tỉnh, Ban chỉ đạo bảo vệ hành lang lưới điện cao áp, phòng an ninh kinh tế các tỉnh có phong trào người dân chơi thả diều là Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Sóc Sơn (Hà Nội) đề nghị phối hợp trong tuyên truyền và ngăn chặn thả diều gần hành lang lưới điện cao áp. 

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, liên hệ thường xuyên với chính quyền, nhân dân địa phương để nắm được tình hình chơi thả diều và phối hợp xử lý”, Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 Vũ Tất Thành cho hay.

Đối với các khu vực có phong trào chơi thả diều phát triển mạnh như huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), huyện Sóc Sơn (Hà Nội), thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), ông Thành cho biết đơn vị đã thành lập các nhóm kiểm tra ngăn chặn diều; phối hợp với Công an xã, huyện tuần tra liên tục 24/24h. 

Đồng thời, làm việc với tất cả 182 thôn, 26 xã nơi có đường dây truyền tải điện đi qua về tăng cường tuyên truyền trong nhân dân (phát tờ rơi, tuyên truyền, phát thanh trên loa) vận động và tổ chức ký cam kết không chơi thả diều gần đường dây truyền tải điện với các hộ dân có người chơi thả diều.

Mặt khác, đơn vị còn tổ chức các hội nghị tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn các xã, huyện trọng điểm về diều; ký thỏa thuận với Công an huyện Hiệp Hòa về việc bảo vệ, ngăn chặn diều khu vực huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). 

Để giảm thiểu sự cố do băng tuyết và do chim trời, Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã lắp tăng néo xà, với hơn 552 bộ trên 92 vị trí, đảm bảo vận hành khi thời tiết xuất hiện băng tuyết; lắp 207 bộ chống chim trời tại các vị trí có nhiều chim.

 

Ngoài ra, đơn vị còn tăng cường nhân lực, tần suất kiểm tra đối với các vấn đề có nguy cơ sự cố như kiểm soát diều, cụ thể, tăng cường tại mỗi xã có phong trào người dân chơi thả diều một nhóm công tác phối hợp với công an xã, huyện tuần tra hàng ngày. 

Riêng khu vực huyện Hiệp Hòa - Bắc Giang tuần tra cả ngày và đêm. Kiểm soát các khu vực nhiều măng tre bằng cách tăng cường 2 lần/tháng kiểm tra định kỳ và chặt măng tre (vào mùa măng). 

Kiểm soát ngăn chặn cháy rừng bằng tăng cường kiểm tra 1 lần/tuần các khu vực nguy cơ cháy cao tại các thời điểm nắng nóng, khô hanh hoặc thời điểm người dân hay đốt nương rẫy, kết hợp với tuyên truyền và liên hệ qua điện thoại với chính quyền, nhân dân địa phương để nắm bắt tình hình.

Hay tăng cường kiểm tra hàng tuần sau các đợt mưa lũ, đối với các vị trí móng cột có nguy cơ sạt lở....

Khắc phục những khó khăn về địa hình, những khó khăn trong quản lý vận hành, các đường dây nằm trong khu vực có mật độ giông sét lớn, Đội Truyền tải điện Bảo Lạc thường xuyên kiểm tra, vệ sinh tiếp xúc dây nối đất chống sét, bổ sung dây néo giảm thiểu sự cố do sét, sửa chữa hệ thống tiếp địa, chặt phát cây trong và ngoài hành lang có khả năng gây mất an toàn cho đường dây....

Nhờ vậy, từ năm 2018 đến nay, đơn vị không xảy ra sự cố nào cho dù khối lượng quản lý vận hành ngày càng tăng lên.

Với tính chất và đặc thù  công việc, sau gần 5 năm qua, Tổ Thao tác lưu động Bảo Lâm vẫn luôn đảm bảo duy trì vận hành an toàn, cấp điện ổn định và liên tục. Đặc biệt kể từ khi đóng điện TBA 220kV Bảo Lâm đến nay không có sự cố chủ quan, khách quan và không có tai nạn lao động xảy ra. 

Kể cả trong giai đoạn thi công công trình mở rộng trạm bên cạnh các ngăn lộ đang vận hành mang điện, để đảm bảo vận hành an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị, trong thời gian thi công nhân viên vận hành sau khi hết ca trực tiếp tục đi giám sát an toàn các Đội thi công trong trạm. 

Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV EVNNPT nhận xét, TBA 220kV Bảo Lâm là trạm vận hành tốt về thiết bị trong Truyền tải điện Đông Bắc 3. 

Cùng với việc tiếp tục đánh giá tình trạng vận hành của trạm, Tổ Thao tác lưu động Bảo Lâm cần chú ý vận hành thiết bị đảm bảo an toàn tuyệt đối, kể cả không có người trực./.

Xem thêm:

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục