Quảng Bình: Cá nuôi biển chết bất thường chưa rõ nguyên nhân

17:10' - 09/04/2025
BNEWS Nhiều hộ nuôi biển của Hợp tác xã sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) lo lắng trước hiện tượng cá nuôi trong lồng chết bất thường.

Anh Lê Văn Quân, thành viên Hợp tác xã sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa Đảo Yến là một trong nhiều hộ nuôi có cá chết bất thường những ngày vừa qua. Các hộ dân tại đây đều cho rằng, cá nuôi biển chết chỉ sau hiện tượng váng đen trôi nổi trên mặt biển xuất hiện. Đây cũng là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra trên vùng biển Vũng Chùa Đảo Yến.

 

Theo anh Lê Văn Quân, sau thời điểm trời mưa và gió mạnh vừa qua, bà con ra thăm vùng nuôi thấy nhiều váng đen phủ trên mặt nước. Khi người dân vớt váng đen này lên hai bàn tay cảm giác không dính nhớt như dầu, dùng tay khỏa lên mặt nước tay cũng sạch và váng bọt tan chìm xuống.

Một tuần trở lại đây, anh Nguyễn Thanh Chiến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) như ngồi trên đống lửa, cứ chờ trời sáng để ra vùng nuôi xem cá có còn chết hay không. Anh là một trong những hộ mới bắt đầu nuôi từ năm trước. Năm nay, anh làm 4 hồ thả cá bớp. Hiện mỗi con đạt trên dưới 0,6 kg thì xuất hiện tình trạng cá lờ đờ và chết.

Anh Nguyễn Thanh Chiến chia sẻ, không chỉ thiệt hại về kinh tế, việc cá chết bất thường khiến người nuôi lo lắng khi vùng nuôi biển không còn được an toàn như trước đây.

Cũng chung sự lo lắng, anh Bùi Anh Tuấn (thành viên Hợp tác xã) là hộ bị thiệt hại nhiều nhất do lượng cá nuôi chết nhiều. Trước đó một tháng, anh Tuấn thả 1.500 con giống cá bớp (chiều dài trung bình cá giống từ 18-20cm), với giá từ 40 - 45 ngàn đồng/con. Thức ăn chủ yếu của cá nuôi là các loại cá biển nhỏ được thả vào lồng cho ăn hằng ngày. Tuy nhiên, khi cá đang giai đoạn phát triển nhanh và hy vọng có được vụ nuôi bội thu thì xuất hiện cá chết khiến anh rất lo lắng.

Anh Bùi Anh Tuấn cho biết, khoảng hai ngày sau khi phát hiện váng đen bao vây khu nuôi biển thì cá bắt đầu chết. Sáng nào mọi người đều kéo lưới trong lồng lên để kiểm tra cá và vớt cá chết đi nên nắm rõ lượng cá còn lại trong lồng. Lồng nuôi của gia đình chỉ còn khoảng 300 con, thiệt hại ban đầu khoảng 50 triệu đồng.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN sáng 8/4, tại vùng biển Vũng Chùa Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) vùng nuôi biển trời tạnh ráo, biển không có gió và sóng nhẹ. Mặt biển không còn những váng đen như bà con cung cấp thông tin nhưng cá nuôi trong lồng vẫn còn chết rải rác.

Do bà con không báo cáo vụ việc nên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa thể vào cuộc để xác định nguyên nhân. Sau khi váng đen không còn, một số bà con liên hệ bên cung cấp cá giống để tái thả nhằm bổ sung vào số cá đã chết.

Theo ông Cao Minh Thái, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa Đảo Yến, toàn bộ diện tích vùng nuôi biển của bà con đều bị váng đen tràn lan. Theo nhận định ban đầu, người nuôi xác định là do bụi than đá, nước mưa chảy từ bãi than từ cảng Hòn La gây nên. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định mà không có căn để đối chứng vì bà con cũng không vớt váng đen này để cất giữ làm mẫu kiểm định, váng đen không vón cục trôi dạt lên bãi biển.

Theo thị sát của một số hộ nuôi, việc các bãi than tại cảng Hòn La cao như những dãy núi lộ thiên, phơi trần trước nắng gió là điều không thể bàn cãi. Trong khi khoảng cách từ bãi than đến vùng nuôi biển chưa đầy 2 hải lý (khoảng 3,5km). Khi trời mưa cũng không ngoại trừ khả năng bãi than có dẫn thải xuống biển.

Ông Cao Minh Thái cho biết thêm, thiệt hại với các hộ nuôi cũng chưa lớn nên có thể khắc phục được. Tuy nhiên, điều khiến người dân lo lắng nhất là hiện tượng váng đen tràn về có còn xảy ra nữa hay không? Nếu váng đen còn tiếp tục thì việc dừng nuôi biển ở đây là có thể xảy ra.

Vùng biển Vũng Chùa Đảo Yến được một số hộ đưa vào nuôi biển từ 7 năm trở lại đây. Từ những hộ nuôi nhỏ lẻ, tự phát, dần dần nhiều người đầu tư nuôi bài bản, quy mô lớn hơn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở đây, bà con chủ yếu nuôi các loại cá bớp, cá mú và một vài mô hình nuôi ốc hương, thả rong biển khai thác làm thực phẩm. Hiện Hợp tác xã sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa Đảo Yến có 8 thành viên nuôi 8 lồng, sản lượng nuôi mỗi năm hơn 20 tấn cá thương phẩm thu về khoảng  4 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục