Quảng Bình đặt mục tiêu đưa 5.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài

13:54' - 03/02/2024
BNEWS Năm 2023, tỉnh có hơn 6.000 người được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 163,3% so với kế hoạch.

Năm 2024, Quảng Bình đặt mục tiêu đưa 5.000 người đi làm việc tại nước ngoài; trong đó, chú trọng công tác đào tạo kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, hướng đến việc đưa lao động lành nghề, am hiểu văn hóa, có tính kỷ luật cao đi làm việc ở nước ngoài.

 

Anh Ngô Đình Quang (37 tuổi, ở phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) vừa về nước sau khi hoàn thành đợt lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài. Sau khi về nước, anh đã chú trọng hơn trong việc tham gia các lớp đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng để chuẩn bị đi đợt tiếp theo.

Anh Quang cho biết, để chọn được người đi làm việc ở nước ngoài, các đơn vị tuyển dụng rất ưu tiên, coi trọng lao động có tay nghề, biết ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Bên cạnh đó, văn hóa ứng xử, hiểu biết pháp luật của nước sở tại cũng là điều cần thiết để lao động bớt đi những bỡ ngỡ ban đầu, làm tốt công việc.

Những năm gần đây, Quảng Bình rất quan tâm đến công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023, tỉnh có hơn 6.000 người được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 163,3% so với kế hoạch. Qua đó, người dân có điều kiện nâng cao thu nhập kinh tế, thay đổi tư duy, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, việc đi làm việc ở nước ngoài đã thay đổi đời sống của người dân, nhiều gia đình từng là hộ nghèo đã thoát nghèo, có nhà cửa khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn dưới 1% và có 5,17% hộ thuộc diện cận nghèo; mức thu nhập bình quân toàn xã đạt khoảng 42 triệu đồng/người/năm.

Với việc phát triển kinh tế theo nhiều hướng khác nhau, trong đó mũi nhọn là phát triển du lịch, xuất khẩu lao động đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Theo ông Trương Thanh Duẩn, dù số lượng người đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng cao, song chất lượng lao động có tay nghề chưa cao, chủ yếu là lao động chân tay. Địa phương đã đề xuất cấp trên tổ chức tập huấn, đào tạo cho người lao động có tay nghề, nhằm xuất khẩu lao động có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao hơn.

Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2024, Quảng Bình phấn đấu tạo việc làm cho 19.500 lao động, trong đó có khoảng trên 5.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; qua đó thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Sở cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo toàn diện kỹ năng cho người lao động trước khi xuất cảnh; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động, ưu tiên cho các lao động qua đào tạo.

Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, những năm qua, lao động tại địa phương chủ yếu đi làm việc tại thị trường châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng lao động làm việc tại nước ngoài vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng.

Đơn cử, lao động trong lĩnh vực ngư nghiệp, dù có kỹ năng, kinh nghiệm đi biển, song ý thức kỷ luật của nhiều người chưa cao. Ngoài ra, hạn chế trong ngôn ngữ giao tiếp dẫn đến việc nhiều lao động mâu thuẫn với chủ tuyển dụng, bỏ trốn ra ngoài, cư trú bất hợp pháp.

Khắc phục những hạn chế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phối hợp với các trung tâm, đơn vị tuyển dụng nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động nước ngoài, từ đó đào tạo tay nghề cho các lao động phù hợp yêu cầu.

Các đơn vị cũng tích cực tư vấn cho người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp tay nghề, kỹ năng để học tập, qua đó, giúp người lao động có mức lương cao hơn, làm việc ở những thị trường lao động có điều kiện tốt hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục