Quảng Nam gặp khó trong thu hồi nợ của dự án đóng tàu theo Nghị định 67

18:01' - 06/04/2018
BNEWS Các Ngân hàng cho vay vốn đóng tàu đang gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ đối với những khoản vay đến hạn do chủ tàu có tâm lý trông chờ, chây ỳ trong việc trả nợ vay ngân hàng.
Đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ cho ngư dân thuộc huyện Duy Xuyên. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về việc cho vay khai thác thủy sản xa bờ (Nghị định 67), trong 3 năm qua, các ngành chức năng trong tỉnh Quảng Nam đã quyết định cho các chủ tàu đủ điều kiện đóng mới 92 tàu và nâng cấp 17 tàu.

Nhờ đó, đến cuối năm 2017, tỉnh đã đóng mới 63 tàu cá gồm 24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 37 tàu vỏ thép; số tàu cá được phê duyệt cải hoán nâng cấp 2 tàu vỏ gỗ. Toàn bộ tổng giá trị cam kết cho vay là 729,58 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân 704,77 tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, hiện có 59 tàu đã hoàn thành thi công, cấp đăng ký và cấp phép đi vào sản xuất trong đó có 24 tàu vỏ gỗ, 33 tàu vỏ thép, 2 tàu composite; số tàu đang thi công là 4 tàu. Nhìn chung, các ngành, các cấp trong tỉnh Quảng Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân được vay vốn thực hiện ước mơ đóng mới, nâng cấp những con tàu hiện đại, công xuất lớn đủ sức để vươn khơi xa bám biển.

Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Quảng Năm của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam cho thấy, các Ngân hàng cho vay vốn đóng tàu đang gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ đối với những khoản vay đến hạn do chủ tàu có tâm lý trông chờ, chây ỳ trong việc trả nợ vay ngân hàng.

Hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Đồng thời, việc xác định khả năng trả nợ của ngư dân rất khó vì doanh thu từ nguồn thu hải sản phụ thuộc và nhiều yếu tố như sản lượng, thời tiết, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc quản lý dòng tiền từ doanh thu bán hàng của chủ tàu gặp nhiều khó khăn vì các chủ tàu hoạt động ở vùng biển xa, tàu không cập vào các cảng cá tại địa phương chỉ cập vào các cảng cá lớn ở tỉnh bạn. Việc kê khai thông tin khai thác chủ yếu do chủ tàu tự khai, không có cơ sở để xác minh, đánh giá tính đúng đắn của thông tin khai thác thực tế. Một số chủ tàu nợ vay bị quá hạn nhưng không tiếp tục vận hành tàu tham gia khai thác để có doanh thu hoặc không có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề.

Mặt khác, việc quản lý dòng tiền từ nguồn tiền dầu được Nhà nước hỗ trợ và các nguồn hỗ trợ khác mà khách hàng đã cam kết sử dụng nguồn tiền này chuyển vào tài khoản tiền gửi của khách hàng mở tại Ngân hàng cho vay để trả nợ gốc, nợ lãi cho ngân hàng.

Nhưng thực tế khách hàng nhận khoản tiền này bằng tiền mặt nên ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý dòng tiền này. Thâm chí, Nhà nước chưa có cơ chế xử lý tình trạng chủ tàu tự ý bán thanh lý các vật tư, máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ đi kèm. Do đó, nhiều chủ tàu đã cố ý bán tài sản để làm thất thoát nguồn kinh phí mà Nhà nước đầu tư.

Theo ông Trần Quang Hổ, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Nam, với việc quản lý tàu thuyền và thu hồi nợ của các ngân hàng đối với các chủ tàu cá hiện nay là rất khó khăn.

Bên cạnh những chủ tàu có ý thức tốt trong việc trả nợ còn những chủ tàu có xu hướng trông chờ, ì ạch hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng hoạt động cho vay theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Tham gia vào việc cho ngư dân vay vốn khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 3 Chi nhánh Ngân hàng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Nam, Ngân hàng Công thương Quảng Nam.

Hiện cả 3 ngân hàng này đều gặp phải khó khăn trong việc thu hồi nợ. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đang có số nợ xấu của cho vay theo Nghị định 67 là 29,525 tỷ đồng./.

>>> Nhiều sai sót về đóng tàu vỏ thép tại Bình Định

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục